Tôi rất thích uống trà có cam thảo nhưng nhiều người nói uống nhiều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe? Điều đó có đúng không? Xin bác sĩ tư vấn (Lê Liên, Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, tư vấn:
Cam thảo hay cam thảo bắc là một loài thực vật có hoa bản địa châu Á. Cây cam thảo sống lâu năm và được sử dụng làm dược liệu chữa bệnh, thường là thân và rễ cây. Thành phần chủ yếu của cam thảo là saponin steroid và flavon. Saponin steroid có tác dụng tương tự cortisol của Tây y.
Cam thảo có tác dụng chống viêm, giảm ho, giảm đau hiệu quả, giải độc, chống co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa, chữa viêm loét dạ dày, ợ nóng, đau bụng… Một số nghiên cứu còn cho thấy cam thảo có thể trị được bệnh suy tuyến thượng thận.
Trong hầu hết trường hợp, cam thảo có thể an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng cam thảo mỗi ngày trong vài tuần hoặc lâu hơn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng huyết áp, nồng độ kali thấp, suy nhược, tê liệt và thỉnh thoảng gây tổn thương não ở người khỏe mạnh. Do đó, người bệnh không nên dùng cam thảo thường xuyên.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ cam thảo hoặc lấy rễ cam thảo để làm chất bổ sung. Không nên dùng cam thảo với người bị viêm thận có biểu hiện phù mí mắt, tiểu ít và trường hợp viêm gan, xơ gan đã có biểu hiện phù nề.
Người bị tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định không nên dùng cam thảo. Những trường hợp táo bón mạn tính do đại tràng thực nhiệt, người yếu mệt lâu ngày hoặc người cao tuổi,… nếu dùng cam thảo sẽ có nguy cơ tăng khả năng táo bón.
Bác sĩ Bay cho biết, cam thảo được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y vì có tác dụng điều hòa các vị thuốc, đưa các vị thuốc đến mô đích, giúp tương tác tốt với nhau, giữ vai trò là tá dược. Nếu muốn dùng cam thảo chữa bệnh, người bệnh nên đến gặp thầy thuốc để được cấu tạo bài thuốc phù hợp và an toàn.