Trang DxOMark mới đây vừa đăng tải một bài viết nhìn lại quá trình phát triển của camera trên smartphone trong hơn nửa thập kỷ vừa qua, tính thời điểm kể từ khi lab này bắt đầu đánh giá smartphone vào năm 2012. Xét về tổng quan, smartphone đã có một bước tiến hóa dài chỉ trong vài năm ngắn.
Dưới đây là biểu đồ cho thấy điểm số tổng quát về chất lượng ảnh chụp và video đã thay đổi thế nào kể từ khi "siêu phẩm một thời" Nokia 808 Pureview với cảm biến 41 MP ra đời:
Các nhà sản xuất điện thoại đang bắt đầu chạm đến ngưỡng giới hạn trong chất lượng ảnh, nguyên nhân cũng bởi vì cảm biến và ống kính cần giữ ở kích thước nhỏ để ngoại hình thiết bị luôn được đảm bảo gọn gàng. Thế nên, họ bắt đầu chuyển sang hướng khác để cải thiện chất lượng hình ảnh hơn thay vì nhắm đến 2 yếu tố trên.
DxOMark cho biết, các nhà sản xuất bắt đầu chuyển sang sử dụng công nghệ camera kép, tính năng chồng nhiều khung hình (multi-frame-stacking) và phát triển thêm hệ thống lấy nét tự động để cải thiện chất lượng hình ảnh. Vì vậy, họ quyết định thử nghiệm dựa theo các yếu tố này để xem hiệu năng có thật sự được cải thiện hay không.
Trang đánh giá sản phẩm này cũng chỉ ra rằng iPhone 5S và iPhone 6 là ví dụ cho thấy rõ sự phát triển của quá trình xử lý hình ảnh mặc dù cả hai đều sở hữu phần cứng giống nhau (iPhone 5S và 6 đều sử dụng cấu hình module camera giống nhau). Dưới đây là chất lượng ảnh của iPhone đã thay đổi kể từ iPhone 5S cho đến đời hiện tại - iPhone X:
Có rất nhiều công nghệ về phần mềm lẫn phần cứng được sử dụng trong các thiết bị smartphone thời gian sau này để cải thiện ở lĩnh vực chụp ảnh, trong đó có thể kể đến gồm độ phơi sáng (phân tích khung cảnh), ổn định hình ảnh (chống rung quang học), hệ thống autofocus (sử dụng thêm các cảm biến AF), zoom (camera kép), bokeh (chế độ giả lập bokeh)...
Và cuối cùng, DxOMark đã tóm tắt về "tình hình" phát triển của camera trên smartphone như sau:
"Nhìn lại quá trình phát triển camera cho smartphone trong 5 năm qua, chúng ta có thể thấy phần cứng camera và khả năng xử lý hình ảnh đã tiến hóa cùng nhau, thậm chí là phát triển rất nhanh so với mảng máy ảnh truyền thống. Máy ảnh DSLR và Mirrorless tất nhiên vẫn dẫn đầu ở một số lĩnh vực, ví dụ như chế độ tự đo sáng hoàn hảo hơn; nhưng ở góc độ xử lý hình ảnh, Canon, Nikon, Pentax và một số hãng khác trên thị trường vẫn đang tụt lại sau những gì mà Apple, Samsung, Google và Huawei có thể làm được. Nhờ vào lợi thế phần cứng, những máy ảnh lớn không thật sự cần đến 'level' xử lý hình ảnh cao độ như smartphone để sản xuất ra được những bức ảnh tốt. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng khoảng cách về hiệu năng giữa camera smartphone và DSLR đang dần được rút ngắn".
Theo GenK