Thị trường camera giám sát Việt Nam trước thời cơ lịch sử
Bộ TT&TT đã ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát. Đây là các khuyến nghị và yêu cầu kỹ thuật an toàn thông tin mạng cơ bản, áp dụng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất, đánh giá, lựa chọn và sử dụng thiết bị camera.
Trong số này, có một số điều khoản đáng chú ý như, dữ liệu từ camera và dịch vụ liên kết phải có tính năng cho phép thiết lập, cấu hình địa điểm xử lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu tại Việt Nam. Việc này có thể thực hiện qua việc ghi trên thẻ nhớ, thiết bị ngoại vi hoặc dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Việt Nam và phải thông báo đến người dùng khi họ thiết lập.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đinh Cao Sơn, Giám đốc Sản phẩm FPT Camera nhận định, việc Bộ TT&TT đưa ra các yêu cầu mới với nhà sản xuất camera giám sát sẽ tạo ra một tác động tích cực đối với thị trường camera tại Việt Nam.
Các yêu cầu nâng cao sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng và tính bảo mật của sản phẩm. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống server đặt tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ cloud tiên tiến để tăng cường bảo mật.
“Điều này cũng tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn, giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và thu hút sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Ngoài ra, các yêu cầu này cũng khuyến khích việc tích hợp công nghệ mới và tiên tiến vào các sản phẩm camera giám sát, từ đó nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm”, ông Sơn nói.
Theo ông Bùi Trường Thi, CTO Vconnex, các yêu cầu về an ninh và bảo mật camera của Bộ TT&TT có thể tạo ra một số tác động quan trọng đối với thị trường camera Việt Nam.
Đầu tiên, đó là việc nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của an ninh, bảo mật trong ngành công nghiệp camera. Để tuân thủ các yêu cầu của Bộ TT&TT, các nhà sản xuất sẽ phải cải thiện chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Điều này vô hình chung sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh và tạo ra sự lựa chọn tốt hơn cho người tiêu dùng.
“Các yêu cầu mới có thể tạo ra áp lực về chi phí phát triển và sản xuất, tác động đến giá cả và sức cạnh tranh trên thị trường camera, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất nhỏ hoặc mới vào ngành. Các sản phẩm sẽ được sàng lọc trước khi đưa ra thị trường, từ đó loại bỏ hàng kém chất lượng”, ông Thi đánh giá.
Việc gia tăng chi phí có thể gây ảnh hưởng ngắn hạn nhưng sẽ mang tới lợi ích dài hạn cho các đơn vị làm chủ công nghệ, có khả năng thay đổi nhanh để đáp ứng với các yêu cầu mới. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường cũng như người tiêu dùng.
Cơ hội để các sản phẩm camera Make in Viet Nam lên ngôi?
Theo thống kê của Pavana của Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu trung bình 5 triệu camera giám sát mỗi năm, trong đó hơn 90% camera có xuất xứ Trung Quốc. Tuy vậy, với các tiêu chí bảo mật ngày càng khắt khe hơn, điều này có thể sẽ tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường camera giám sát.
Với góc nhìn của Vconnex, ông Bùi Trường Thi đánh giá, camera giám sát trên thị trường hầu như đều sử dụng hạ tầng quản lý đặt ở nước ngoài, không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là cơ hội lớn để các sản phẩm Make in Viet Nam để có thể chiếm lĩnh thị trường camera.
Khuyến nghị mới từ Bộ TT&TT có thể tạo ra cơ hội cho các sản phẩm camera Make in Viet Nam lên ngôi. Các nhà sản xuất camera nội có thể tận dụng cơ hội này để cải thiện chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, từ đó tạo ra một hình ảnh tích cực về uy tín thương hiệu.
Theo ông Thi, lợi thế của các công ty camera Việt Nam nằm ở khả năng tùy chỉnh và phản ứng nhanh trước các yêu cầu cụ thể từ phía cơ quan quản lý. Điều này giúp họ nhanh chóng thích nghi và tuân thủ các quy định mới hơn so với các nhà sản xuất ngoại.
Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất camera Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để chia sẻ kiến thức, công nghệ và tài nguyên, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh, phát triển sản phẩm.
Để camera Make in Viet Nam thực sự lên ngôi, nhà sản xuất cần đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn và bảo mật. Camera Việt Nam cũng phải có khả năng cạnh tranh về giá cả và tính năng so với các sản phẩm nhập ngoại.
Ông Đinh Cao Sơn, Giám đốc Sản phẩm FPT Camera tin rằng, các quy định mới sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các sản phẩm camera Make in Viet Nam phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Bằng cách đảm bảo tuân thủ các yêu cầu an ninh và bảo mật, các sản phẩm trong nước có thể lấy được niềm tin của người dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
“Các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế”, ông Sơn nhận định.
Có góc nhìn thận trọng hơn, ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Bkav AI cho hay, đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các nhà sản xuất camera Make in Viet Nam. Đó có thể là bước đệm để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của châu Âu cũng như thế giới, qua đó mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất camera trong nước.