'Không nịnh sếp thì nịnh ai'
Nhiều bạn đọc cho rằng, người nịnh bợ cấp trên thường có những cái lợi như thăng quan, được giao việc béo bở, làm dở vẫn tồn tại.
Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, ngoài các căn cứ về chính trị, pháp lý và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, thời gian qua, Bộ phối hợp với các bộ và địa phương thực hiện đánh giá thực trạng việc thực hiện các nội dung về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước.
Qua đó cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với với người dân, tổ chức và đồng nghiệp; vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của Bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức...
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm…
Do đó, Bộ Nội vụ cho rằng, cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước.
Không để người thân đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản liên quan đến công việc
Mục đích của bộ quy tắc này nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm việc công khai quy tắc đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân giám sát.
Đây cũng là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
Bộ quy tắc này cũng là cơ sở để thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức và là một trong những căn cứ để cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Ngoài quy tắc đạo đức chung, dự thảo nghị định cũng dành một chương quy định rõ những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức.
Chẳng hạn như quy định về tính chính trực, sự liêm chính yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định.
Với quy định về sự đúng mực, tính thận trọng yêu cầu cán bộ, công chức viên chức phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định về sự tận tụy và kịp thời; năng lực và sự chuyên cần…
Không chơi game trong giờ làm việc
Nghị định dành một chương quy định về những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức và công dân; với đồng nghiệp; với cấp trên; với cấp dưới; với tổ chức, cá nhân nước ngoài; với cơ quan thông tấn, báo chí; ứng xử tại nơi cư trú; nơi công cộng; qua điện thoại.
Cụ thể, trong giao tiếp với dân, cán bộ, công chức, viên chức không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Với đồng nghiệp thì không bè phái, cục bộ, có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Với cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.
Với cấp dưới phải tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới.
Cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, không có hành vi bạo lực gia đình; không tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.
Đồng thời không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; sử dụng thời giờ làm việc; quy định họp, hội nghị, xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ.
Trong đó quy định rõ việc không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương và 25 điều.
Nhiều bạn đọc cho rằng, người nịnh bợ cấp trên thường có những cái lợi như thăng quan, được giao việc béo bở, làm dở vẫn tồn tại.
Công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, không có cấp dưới nào muốn nịnh bợ cả, chẳng qua do cấp trên không gương mẫu.