Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong quý II/2023, số doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới chiếm tỷ lệ 30-50%. Cụ thể, ngành da giày, may mặc có doanh thu giảm 30-50%; sản xuất kinh doanh gỗ giảm 30,9%; ngành cao su - nhựa giảm doanh thu 20%; ngành thép doanh số giảm 40-50%.
Nhìn chung, lượng hàng tồn kho tăng lên, trong khi, sức mua thị trường nội địa sụt giảm từ 10-20%.
Theo Huba, doanh nghiệp đang thiếu vốn kinh doanh, cần vốn để duy trì dòng tiền đang bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 nhưng do có độ trễ, các ngân hàng thương mại huy động lãi suất còn cao nên doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chờ lãi suất xuống thấp hơn nữa.
Cùng với đó, doanh nghiệp còn đang gặp khó khi nhiều loại thủ tục hành chính chưa được cải thiện, cộng với tâm lý sợ sai của cán bộ công chức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, việc thực hiện dự án đầu tư thời điểm này là hết sức khó do có sự đùn đẩy trình tự thủ tục trước, sau; việc hoàn thuế khó khăn vì để an toàn, ngành thuế rất cẩn thận trong hoàn thuế, kết quả là doanh nghiệp thiếu tiền để tái đầu tư kinh doanh, trả lương cho người lao động...
Từ những khó khăn trên, Huba đã đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động. Hiện nay, khâu xác minh hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa mua vào rất lâu, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1/7-31/12/2023) được cho là thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả tác động sâu vào nền kinh tế.
Huba kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng thuế suất GTGT 8% và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024. Đồng thời, nâng mức thu nhập tối thiểu chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đối với vấn đề vốn cho nền kinh tế, giới doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, lãi suất vay ngân hàng hầu hết trên 10%/năm là không phù hợp với khả năng lợi nhuận của rất nhiều đơn vị. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần tìm giải pháp giảm lãi suất vay về mức dưới 8%/năm, bằng cách giảm lãi suất huy động, giảm chi phí vay và khống chế tỷ suất lợi nhuận ròng của ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng khi đánh giá, cần nâng tỷ lệ tài sản thế chấp sát thực tế; tăng tỷ lệ cho vay tín chấp; cho vay theo hợp đồng hoặc thế chấp bằng tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai..., Huba kiến nghị.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra chiều 29/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ngành của thành phố cần tập trung phối hợp đồng bộ, hiệu quả để gỡ khó cho doanh nghiệp.
"Chúng ta đừng để nghe nói thêm sở này, cán bộ kia hay thành phố trì trệ nên gây ra những ách tắc cho người dân và doanh nghiệp", ông Mãi nhấn mạnh.