Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân Tối cao ngày 24/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.

Chủ tịch nước nhắn nhủ, khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân; đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án. Bởi mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là tính mạng của người dân.

ttxvn.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân Tối cao ngày 24/12/2023. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, có đạo đức trong sáng, thanh liêm, chính trực, khát khao công lý, giàu lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật.

Trong nhiều năm qua, ngành Tòa án đã chủ động, sáng tạo, có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác. Công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao; chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao; pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất; tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn...; góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đặc biệt, Tòa án các cấp đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh theo pháp luật. Tòa án đã chủ động phối hợp với liên ngành tố tụng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án lớn. Các vụ án đã xét xử được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao; thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót như tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật…

Con sâu làm rầu nồi canh

Những đánh giá của Chủ tịch nước tại hội nghị là rất đúng và trúng với nỗ lực cải cách tư pháp được thực hiện nhiều năm qua. Nếu năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, có cán bộ vi phạm pháp luật, dù là rất nhỏ, thì người dân có thể trông chờ vào đâu?

Nếu quan tòa không công minh, xét xử theo lối “nén bạc đâm toạc tờ giấy” hoặc có “Có ba trăm lạng việc này mới xong” thì làm sao đảm bảo cán cân công lý. Thẩm phán nhận hối lộ để làm sai lệch vừa bào mòn uy danh của quan tòa mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nền tư pháp và pháp luật.

Trong những năm vừa qua, vì không chế ngự được lòng tham, bất chấp vai trò vị trí của người cầm cân nẩy mực trong trong duy trì pháp luật, có một số trường hợp thẩm phán đã làm hoen ố uy danh của các vị quan tòa.

Gần đây, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã chuyển hồ sơ, kết luận điều tra vụ án tới Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Võ Đình Sớm, thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai tội "Nhận hối lộ". Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao bắt quả tang tại phòng làm việc khi ông Sớm nhận hối lộ 500 triệu đồng.

Ngày 3/10/2023, Viện KSND Tối cao bắt quả tang bà Nguyễn Thị Tuyết Sương Phó Chánh án, Thẩm phán TAND thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhận hối lộ 50 triệu đồng của đương sự trong một vụ án ngay tại phòng làm việc.

Ngày 22/8/2023, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "nhận hối lộ" và tuyên phạt 4 năm tù đối với bị cáo Châu Văn Mỹ nguyên Phó chánh án Thường trực TAND tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 24/8/2022, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Hứa Công Nguyên - Thẩm phán TAND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình về tội "Nhận hối lộ".

Những trường hợp bị phát hiện như trên cho thấy, những thẩm phán nhận hối lộ đã phá hoại quốc pháp. Nhưng những nỗ lực mang những người này ra tòa cho thấy, pháp luật phải được bảo vệ và cuộc đấu tranh chống tham nhũng thực sự “không có vùng cấm”.

Số tiền họ nhận hối lộ không quá lớn, nhưng hậu quả vô cùng lớn vì thẩm phán nhận hối lộ để làm sai lệch, bẻ cong cán cân công lý không chỉ bào mòn uy danh của tòa án mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nền tư pháp và pháp luật nước nhà.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Vì vậy, phán quyết của tòa án liên quan trực tiếp đến những quyền thiêng liêng, cơ bản; liên quan đến danh dự, nhân phẩm, lương tâm, sinh mệnh chính trị, tài sản của con người; lợi ích quốc gia. Có thể nói những thẩm phán nhận hối lộ để bẻ cong cán cân công lý.

Bởi vậy, không chỉ trừng phạt nghiêm khắc những thẩm phán nhận hội lộ khi thụ lý, xử án mà còn phải xử lý nghiêm minh những cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán sai phạm trong quá trình tố tụng, dẫn đến oan sai trong các vụ án.

Vì những vụ án an sai, nhất là các vụ án tử hình oan sai không chỉ là nỗi đau thương, tủi nhục của người bị oan cùng gia đình và dòng tộc của họ mà còn là nỗi nhức nhối của xã hội.

Để khắc phục những hạn chế của tòa án và nền tư pháp nói chung trước hết đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, cán bộ làm công tác điều tra phải có phẩm chất “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” và phải có tính chuyên nghiệp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh việc tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động tư pháp bởi nó liên quan chặt chẽ đến mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Từ khi luật ra đời (cách đây hàng nghìn năm) tới nay, hình ảnh các vị quan tòa - người nắm cán cân công lý lạnh lùng, nghiêm khắc trong xử án đã tạo nên uy danh vô đối với các giai tầng trong xã hội. Thời nào và ở đâu cũng vậy, sự công minh và uy danh của các vị quan tòa là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo cho sự nghiêm minh của quốc pháp và bảo vệ quyền lợi, phẩm giá của con người và củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân với chính thể.

Nguyễn Huy Viện