Bên trong Bệnh viện Ung bướu 5.800 tỷ đồng, hiện đại nhất phía Nam
Khởi công từ năm 2016 với số vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đã chính thức vận hành gần 100% công suất. Cơ sở này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh chờ mổ, nằm gầm giường của bệnh nhân ung thư.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 được khởi công từ cuối tháng 6/2016 với tổng số vốn đầu tư 5.845 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện có bãi đỗ trực thăng trên sân thượng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh, cho biết trung bình mỗi ngày, cơ sở mới tiếp nhận từ 800-1.100 lượt bệnh. Phần lớn là các bệnh nhân cũ đang điều trị, người bệnh ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hoặc sống tại địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM).
Cơ sở mới cũng đã triển khai khám ngoài giờ từ 5h và khám theo yêu cầu.
Nhiều người bệnh có mặt ở TP.HCM từ 3-4h sáng để mong được khám sớm.
Bà Phan Thị Bê (74 tuổi, sống ở Tiền Giang) bắt xe lên TP.HCM từ 5h sáng. Đến 7h30, bà được khám bệnh, sau đó tiếp tục xếp hàng chờ siêu âm. Bà Bê đã phẫu thuật, hóa trị, xạ trị ung thư vú được 5 năm. Hiện nay, bà tái khám mỗi tháng. “Nhìn bệnh viện mới khang trai ai cũng mừng. Chỉ có điều, việc xếp hàng lấy số siêu âm khá phiền phức, không giống khám bệnh một chiều như trước đây”, bà nói
Một người bệnh khác cũng phải bốc số chờ siêu âm sau khi khám bệnh.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt (ngụ tại Bình Thuận) cho biết chồng bà bị ung thư đại tràng, đã phẫu thuật lần đầu vào trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ở cơ sở 1, bà phải trải chiếu dưới giường bệnh hoặc trước cửa phòng để ngủ. Cơ sở mới với công suất 1.000 giường được người dân kỳ vọng sẽ xóa đi nỗi ám ảnh này.
Giữa tháng 7/2021, dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp. Thành phố đã chuyển đổi nơi này thành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 lớn nhất cả nước.
Cơ sở mới có 16 phòng mổ, 50 giường hồi sức.
Phòng bệnh đảm bảo mỗi bệnh nhân/giường, khoảng 4 người/phòng, có nhà vệ sinh bên trong, máy lạnh.
Khu vực bệnh nhân hóa trị tại cơ sở mới.
Bệnh viện có 1.600 nhân sự, triển khai các kỹ thuật hiện đại trong tầm soát, phát hiện và điều trị các bệnh lý ung thư.
Bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại lên đến 2.000 tỷ đồng.
Người bệnh được khám và điều trị trong không gian rộng rãi, cơ sở vật chất hiện đại. Thống kê riêng ngày 30/1 đã có 2.315 người bệnh đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.
Cơ sở mới đã hoạt động, hàng trăm bệnh nhân ung thư vẫn xếp hàng chờ mổ
Như vậy, sau 6 năm thi công, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại cơ sở mới, nhiều người bệnh ung thư vẫn phản ánh tình trạng chờ đợi khám, đặc biệt là mòn mỏi, lo lắng vì không biết khi nào đến lượt mình được mổ.
Kỳ 2: Bệnh nhân ung thư: 'Bác sĩ bảo đợi điện thoại, khi nào gọi thì lên mổ'
Ảnh: Thế Sơn