Trong những năm gần đây, thể thao điện tử có tốc độ phát triển vượt bậc, hay có thể dùng đến từ ngữ "kinh người" để miêu tả tại Trung Quốc. Điều này đã khiến cho việc chơi game không còn bị đánh giá là "vô dụng" như trước kia, mà hiện nay, các game thủ đã có thể kiếm tiền để nuôi sống bản thân, thậm chí là dư dả lo cho tương lai.
Điều đáng chú ý hơn rằng hiện nay tại Trung Quốc, thậm chí đã xuất hiện những trường đại học, cao đẳng có xuất hiện khoa thể thao điện tử.
Phóng sự được thực hiện về Tôn Kiêu Vĩ, một thiếu niên sinh năm 1998 từng bị bố mẹ chê trách về thói nghiện game. Tuy nhiên, hiện nay Tôn Kiêu Vĩ lại đang là một sinh viên của trường Cao Đăng nghề tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, chuyên ngành Thể Thao Điện Tử.
Từ năm 16 tuổi, Tôn Kiêu Vĩ đã bắt đầu làm quen và gắn bó với Liên Minh Huyền Thoại. Mặc dù bị cha mẹ phản đối gay gắt, thế nhưng Kiêu Vĩ vẫn thường xuyên ra ngoài quán Net chơi Liên Minh Huyền Thoại mỗi khi có cơ hội.
Mọi chuyện thay đổi từ khi Kiêu Vĩ mang về nhà chiếc cúp và tiền thưởng từ một giải đấu bán chuyên nghiệp. Từ đây, cha mẹ Kiêu Vĩ mới thôi không ngăn cản con trai mình chơi điện tử. Hiện nay, thậm chí họ còn tới theo dõi Kiêu Vĩ khi anh này tham gia thi đấu.
Tháng 4/2016, Trường Cao đẳng nghề Sơn Tây mở khóa bồi dưỡng vận động viên thể thao điện tử đầu tiên để bồi dưỡng ra các game thủ chuyên nghiệp. Đây là cơ sở hiếm hoi trong cả nước đầu tư một cách nghiêm túc cả về cơ sở vật chất lẫn giáo trình, chuyên môn cho lĩnh vực này.
Cơ sở có tổng diện tích 1.100 mét vuông với trung tâm là một khu thi đấu e-Sports cho phép các đội game 6vs6 tham dự, được trang bị màn hình LED kích thước lớn ở tầng một. Tầng hai là khu vực giáo dục với các phòng học đa phương tiện, ba phòng chơi game với hơn 80 máy tính cấu hình cao đầy đủ thiết bị ngoại vi, để cung cấp một không gian chuyên nghiệp nhất dành cho các sinh viên luyện tập, trao đổi.
3 tựa game chính thức hiện đang được đào tạo trong trường là Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch, Hearthstone, trong đó số học viên đăng ký lớp Liên Minh Huyền Thoại là đông nhất. Trong hình, giảng viên đang ngồi phân tích các kĩ năng của các tướng trong Liên Minh Huyền Thoại. Dữ liệu được sử dụng thường được lấy từ video replay của các trận đấu chuyên nghiệp trên thế giới.
Điều đáng chú ý rằng không chỉ giới thiệu về từng vị tướng, lớp học Liên Minh Huyền Thoại còn giới thiệu thêm cả về cốt truyện của từng tướng, điều mà đa số các game thủ đều bỏ qua khi chơi. Dù vậy thì có vẻ như các sinh viên đều tự giác nghe rất chăm chú.
Sau bài học, cả lớp được giáo viên triệu tập để chuẩn bị thi đấu. Trận đấu này được tổ chức hàng tuần, mô phỏng giống như một trận thi đấu quốc tế và đội thua sẽ phải chịu hình phạt. Để công bằng, các game thủ được lựa chọn đồng đội yêu thích thông qua trò "kéo, búa, bao" của hai đội trưởng. Các thành viên không được chọn sẽ làm trọng tài hoặc khán giả.
Sau đó cả hai đội có nửa giờ để thảo luận về chiến thuật, phân tích đối thủ. Mỗi đội được phát áo thi đấu với màu sắc khác nhau, ngồi vào khu vực riêng. Sau khi chạy thử máy, giao tiếp với trọng tài, khán giả, giáo viên và một số lãnh đạo trong trường, cuộc đấu sẽ chính thức bắt đầu. Các trải nghiệm về sân đấu, áp lực khán giả, trọng tài và thậm chí cả âm thanh ánh sáng đều giống với thực tế giúp các học sinh dễ dàng làm quen và không còn bị áp lực khi thi đấu giải trong tương lai.
Trước trận đấu, Kiều Vĩ đã cảm thấy sự sắp xếp đội hình có vấn đề. Liên Minh Huyền Thoại là trò chơi có trọng tâm về mối quan hệ giữa các nhân vật và khả năng kết hợp khi chiến đấu, mỗi yếu tố nhỏ đều ảnh hưởng tới kết quả chung. Cuối cùng, đội của anh thua và các thành viên phải chịu phạt là hít đất 30 cái liên tục. Sau khi chịu phạt, các đội sẽ ở lại xem video ghi lại cuộc đấu vừa rồi để quan sát và xác định các lỗi đã mắc phải. Mọi sai lầm nhỏ đều phải được tìm ra để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Hầu hết học sinh đều có thần tượng là một game thủ nào đó. Với Kiều Vĩ là Uzi, một trong những "xạ thủ" hàng đầu thế giới. Anh gần như đã xem hết các trận đấu của thần tượng, học tập theo phong cách chơi trong game của tuyển thủ này.
Không chỉ cho thi đấu, trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi kiến thức về các sự kiện thể thao, giải thích và nâng cao hiểu biết cho các học sinh về những vấn đề như quy trình tổ chức, luật lệ. Trong đó, phần nội dung trọng tâm thường là cho mọi người xem một video, sau đó phân tích chi tiết về chiến lược, chiến thuật và đánh giá các người chơi... Kết quả cuối cùng được công bố theo hệ thống cấp bậc. A, B, C, D trong đó điểm D là không thể chấp nhận.
Buổi học thường kết thúc lúc 18h30, Kiều Vĩ lại gọi điện rủ các bạn mình ra quán Internet để thực hành thêm. Anh cho biết, ngoài việc học văn hóa, anh thường ngồi máy tính hơn 11 tiếng mỗi ngày, chủ yếu là để luyện còn 1-2 giờ xem video về các đội chuyên nghiệp.
Không chỉ dạy về game, trường cũng dạy văn hóa. Từ sáng thứ hai đến thứ tư và chiều thứ năm, thứ sáu, các học viên sẽ phải học các môn văn hóa như bình thường. Trên thực tế, hầu hết học viên ngành này đều không hứng thú với các tiết học vì với họ chúng khá "đau đầu" và "khó hiểu". Tuy nhiên, đây là quy định bắt buộc.
Phần còn lại của ngày, các học viên sẽ sinh hoạt trong ký túc xá. Hình thức vui chơi giải trí chủ yếu là qua điện thoại di động và phần nhiều trong số này vẫn là xem các video về game. Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) 2022 tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc, là động lực chính của các vận động viên thể thao điện tử này. Đối với họ, đây là một bước tiến mang tính bước ngoặt trên con đường sự nghiệp.
Theo GameK