Kết quả sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo và sản xuất ô tô đang ảm đạm chưa từng thấy. Chia sẻ thực trạng này tại Hội nghị tổng kết Bộ Công Thương hôm 20/12, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Thaco cho hay, năm 2023, doanh số ô tô bán ra của tập đoàn đạt hơn 96,500 xe các loại, giảm 25% so với năm 2022 (Gồm: hơn 80,000 xe Ô tô Du lịch; gần 15,000 xe Tải và 1,500 xe Bus, Mini Bus); chiếm 36% thị phần ô tô trong nước. Xuất khẩu hơn 2,500 xe, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD;

Vì sự sụt giảm của ô tô, lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Thaco cũng sụt giảm theo. 

W-pham-van-t224i-tgd-thaco.jpg
Ông Phạm Văn Tài- TGĐ Thaco

Ông Phạm Văn Tài cho hay, doanh thu của cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Thaco Industries năm 2023 ước đạt gần 8,700 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022, do dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 giảm gần 30% sản lượng. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho biết: Ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”. Ước tính, doanh thu bình quân của ngành công nghiệp hỗ trợ giảm tới 40%.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành là đang vay vốn với lãi suất ở mức 10-12% trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc và nước khác vay vốn với lãi suất chỉ 2%. Mặt khác doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ, phải mua vật tư nhỏ lẻ nên giá cao, trong khi doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn thường mua vật tư với số lượng lớn nên có giá thấp. Bởi vậy, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

san-xuat-244-t244-thaco-2023.jpg
Sản xuất ô tô Thaco

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù có những chuyển biến tăng trưởng tích cực vào cuối năm nhưng nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2023 phục hồi chậm; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; chi phí đầu vào, vốn... còn cao; mức độ tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt; mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2023, năng lực sản xuất đã có dấu hiệu suy yếu do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao… Kết thúc quý I-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm tươi sáng hơn. Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp cả năm 2023 ước tăng 2,3% so với năm 2022. Đây là mức rất đáng ghi nhận. 

Sản xuất ô tô Thaco 2023.jpg
Sản xuất ô tô gặp khó khăn

Trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo là điểm sáng khi phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Giá trị gia tăng ngành Công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Dù vậy, theo Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo năm 2023 có mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp và sản lượng sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng như: Ô tô, xe máy, thép, điện tử, điện thoại di động, dệt may… đều giảm so với năm 2022.

Để tháo gỡ và phát triển, ông Phạm Văn Tài kiến nghị, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật công nghiệp trọng điểm vào Chương trình xây dựng Pháp luật năm 2024 để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý, thực sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp đầu tàu để liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ngành Cơ khí & Công nghiệp hỗ trợ của đất nước”, ông Phạm Văn Tài nêu.

Dù khó khăn chung, tuy nhiên, Thaco vẫn đặt mục tiêu năm 2024 sản xuất 112.500 xe các loại. Lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, dự kiến doanh thu đạt hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu là 250 triệu USD. 

Băng Dương