Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng cần đảm bảo quan tâm xuyên suốt cuộc đời một người. Từ 1.000 ngày đầu đời đến lứa tuổi học đường, thanh thiếu niên, trung niên và cao tuổi đều cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau.
Ở tuổi học đường, dinh dưỡng càng quan trọng, đây là nền tảng để trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần. Nếu nuôi dưỡng tốt về dinh dưỡng, trẻ có thể cao hơn bố mẹ từ 10-15cm, có sức khỏe đảm bảo học hành.
Bác sĩ Lâm cho rằng hiện nay đa phần trẻ được chăm lo đầy đủ dinh dưỡng khi ở nhà. Tuy nhiên, dinh dưỡng trong thời gian trẻ đi học, ăn bán trú vẫn chưa được quan tâm sát sao. Các trường không có nhân sự chuyên môn phụ trách kiểm tra, cân đo các nhóm chất phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, truyền thông về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.
Thực tế, nhiều trường còn chưa coi trọng bữa ăn học đường cần đủ chất, chỉ quan tâm bữa ăn no. Các trường hợp suất ăn lèo tèo, bát mì tôm không đồ ăn kèm vẫn tồn tại, gây bức xúc cho phụ huynh. Về lâu dài, trẻ thiếu chất, chậm phát triển.
Ngoài ra, nhiều trường học không tự tổ chức nấu bếp ăn tại chỗ mà đặt mua từ cơ sở bên ngoài. Vì vậy, bữa ăn khó đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng.
Theo Phó giáo sư Lâm, ngành giáo dục nên có biên chế cử nhân dinh dưỡng trường học hoặc 1 cụm trường cần 1 cán bộ dinh dưỡng để lên thực đơn, giám sát thực phẩm đầu vào.
3 nguyên tắc
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên vận động sẽ góp phần giảm nguy cơ bệnh tật cho trẻ trong tương lai như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư.
Để đảm bảo tối ưu dinh dưỡng cho trẻ ở tuổi học đường, theo Phó giáo sư Lâm, cần 3 nguyên tắc:
- Ăn đủ nhóm chất: Đó là chế độ ăn đầy đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất.
- Đảm bảo đủ năng lượng: Nhu cầu năng lượng cho học sinh cần đảm bảo theo tiêu chí tuổi, giới, bệnh lý nền, thời gian vận động. Nếu trẻ thiếu năng lượng, cơ thể sẽ mệt mỏi, buồn ngủ. Trường hợp thừa năng lượng dẫn tới nguy cơ béo phì. Vì vậy, các nhà trường cần chú ý bữa ăn đủ số lượng phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Đảm bảo vi chất: Trẻ tuổi học đường phát triển cả thể lực, trí não, tầm vóc cần ưu tiên vi chất như vitamin A, kẽm, sắt, i-ốt.
Học sinh thiếu vitamin A gây khô mắt, loét giác mạc, chậm lớn; thiếu sắt gây thiếu máu dễ mắc các bệnh nhiễm trùng; thiếu i-ốt trẻ chậm phát triển trí não. Để tăng cường vi chất, bữa ăn bổ sung thêm các loại rau củ nhiều vitamin như đu đủ, bí xanh, rau ngót, mồng tơi, cà chua, chuối chín.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo thêm học sinh hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, muối. Hằng ngày trên lớp, cô giáo khuyến khích trẻ không ngồi tại chỗ nhiều nên tăng cường vận động, chạy chơi trong giờ ra chơi.
Khuyến nghị tỉ lệ các nhóm chất trong bữa ăn: 1. Đối với trẻ nhà trẻ (<36 tháng) - Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipid) cung cấp khoảng 30% - 40% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (carbohydrate) cung cấp khoảng 47% - 50% năng lượng khẩu phần. 2. Đối với trẻ mẫu giáo (36 – 72 tháng) - Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipid) cung cấp khoảng 25% - 35% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (carbohydrate) cung cấp khoảng 52% - 60% năng lượng khẩu phần. 3. Đối với học sinh tiểu học (6 đến 11 tuổi) - Chất đạm (protein) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần. - Chất béo (lipid) cung cấp khoảng 20% - 30% năng lượng khẩu phần. - Chất bột (carbohydrate) cung cấp khoảng 55% - 65% năng lượng khẩu phần. |