Trong quá trình sản xuất camera, doanh nghiệp gặp khó khăn gì? Việt Nam cần có chính sách gì để giải quyết khó khăn đó cho doanh nghiệp nội… là một trong những câu hỏi cấp thiết được các doanh nghiệp đặt ra trong buổi Tọa đàm “Tiêu chuẩn nào cho camera make in Vietnam?” do báo VietNamNet tổ chức.
Theo ông Hoàng Quốc Huy - Phó Tổng giám đốc MobiFone Global, các thành phần quan trọng trong camera Việt Nam vẫn chưa làm chủ được, chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, ví dụ như chip, sensor... Điều này khiến các doanh nghiệp nội phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Trong những năm gần đây, giá chip tăng lên đột biến, thậm chí khan hiếm gây ra tác động trực tiếp đến việc sản xuất camera trong nước.
Các nhà mạng đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tiện ích cho tập khách hàng của mình nhằm tận dụng thế mạnh về hạ tầng, kênh phân phối, hệ thống chăm sóc khách hàng sẵn có. Ngoài ra, các nhà mạng có lợi thế là hệ thống kết nối, hạ tầng cloud tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn bảo mật của quốc gia và thế giới. Nhà mạng có thể kết hợp với các đơn vị sản xuất tạo nên nhiều sản phẩm camera mang thương hiệu Việt.
Đặc biệt, Việt Nam nên có một tiêu chuẩn chung để tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp ngoại khi vào thị trường trong nước phải tuân theo luật chơi Việt Nam. Đơn cử như việc các doanh nghiệp ngoại phải lưu trữ dữ liệu, đặt server trong nước. Điều này sẽ giúp tạo ra một sân chơi công bằng hơn, giúp các doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ nước ngoài.
Ông Khương Duy, Giám đốc Trung tâm Camera của Viettel High Tech chỉ ra 3 khó khăn lớn với các doanh nghiệp sản xuất camera của Việt Nam, đó là: cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ từ Trung Quốc đang chiếm thị phần rất lớn, giá rất rẻ nên phù hợp với một bộ phận khách hàng; niềm tin vào sản phẩm Việt Nam từ người tiêu dùng, đặc biệt với các sản phẩm công nghệ cao; và chưa có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi hợp lý cho sản xuất camera trong nước. Cần có đơn vị thứ 3 chứng nhận cho tiêu chuẩn an toàn, cần sự ra tay của cơ quan nhà nước, sau đó áp dụng thế nào trong thực tế cho thống nhất. Đồng thời, phải đề ra tiêu chuẩn từ thiết bị cho đến cloud.
Liên quan đến AI, hiện đang thiếu khung pháp lý về việc sử dụng AI (âm thanh, hình ảnh), nâng cao thuật toán cho việc sử dụng AI. Đạo đức về AI cũng cần được quy định rõ ràng trong tiêu chuẩn này.
Đại diện Viettel High Tech cũng nêu ra 5 kiến nghị lên cơ quan chức năng với mong muốn giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất camera nội: 1-Cơ quan nhà nước phải thiết lập tiêu chuẩn an toàn an ninh thông tin đối vói từng dòng sản phẩm camera; 2-Tổ chức đánh giá và cấp phép cho các loại camera lưu hành trên thị trường; 3-Áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với các DN khoa học công nghệ, DN công nghệ cao; 4-Xây dựng ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các vật tư linh kiện phục vụ sản xuất camera; 5-Cơ quan nhà nước xây dựng khung pháp lý để có thể thu thập, sử dụng các loại dữ liệu từ cameranhư khuôn mặt; tiếng nói; hình dáng giúp cải thiện tốt hơn chất lượng thuật toán mang lại nhiều giá trị hơn cho cá nhân, doanh nghiệp.
Theo ông Khương Duy, với tiềm năng tăng trưởng lớn của thị trường Việt Nam trong khi đó 90% thị phần là các sản phẩm Trung Quốc với rất nhiều mặt hàng trôi nổi, không đảm bảo an toàn bảo mật thì các nhà mạng với lợi thế tập khách hàng lớn đang sử dụng dịch vụ có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng để đưa sản phẩm ra thị trường. Viettel High Tech tham gia thị trường camera với định hướng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng và toàn diện cho tập khách hàng hộ gia đình đang sử dụng dịch vụ FTTH.
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng, cũng như nhiều sản phẩm Make in Vietnam khác, để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm sản phẩm camera, cần có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cơ chế thuế nhập khẩu cho những linh kiện mà Việt Nam chưa sản xuất được nhằm giúp các sản phẩm cạnh tranh một cách công bằng với sản phẩm nhập ngoại.