Như một thói quen, mỗi khi đọc bản tin về Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi đều truy cập vào số liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), về số lượng sáng chế nộp đơn quốc tế qua Hiệp ước hợp tác Sáng chế toàn cầu PCT (patent cooperation treaty), để xem có bao nhiêu đơn sáng chế từ Việt Nam được nộp thông qua hệ thống này.
Khi nói đến trình độ khoa học và công nghệ của một quốc gia hay của một công ty, một cách thông thường nhất, người ta sẽ nhìn vào số giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ cuộc sống mà đất nước hay của công ty đó tạo ra. Số lượng các sáng chế sẽ là chỉ số quan trọng và đơn giản nhất để có thể đánh giá mức độ phát triển của một đất nước, đặc biệt, là số lượng đơn sáng chế quốc tế nộp qua hệ thống PCT.
Sáng chế không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, công nghệ đòi hỏi có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng trong thực tiễn. Việc nộp đơn sáng chế cũng đòi hỏi phải có…tiền. Do vậy, chỉ khi sáng chế có thể tạo ra được những giá trị nhất định, một tổ chức hay cá nhân nào đó mới bỏ tiền ra để nộp đơn.
Thống kê của WIPO cho thấy từ năm 2010 đến nay, số lượng đơn sáng chế PCT từ Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 50 đơn mỗi năm, từ 5 đơn năm 2010 đến nhiều nhất là 40 đơn (năm 2020), và con số năm 2023 là 27. Con số này cách rất xa so với chính các quốc gia trong khu vực, như Singapore, đã có hơn 1000 đơn sáng chế PCT hàng năm từ 2018, Thái Lan, đã có hơn 100 đơn sáng chế PCT hàng năm từ 2020, hay Malaysia, đã vượt qua số lượng hơn 200 đơn sáng chế PCT mỗi năm từ 2020. Một bức tranh khác, của Trung Quốc, trong cùng thời gian từ 2010 đến 2023, quốc gia này đã tăng liên tục số lượng đơn sáng chế lên gấp 7 lần, và từ 2019 đến nay, luôn là quốc gia có nhiều đơn sáng chế nhất thế giới, chiếm hơn 1/4 tổng số đơn sáng chế PCT toàn cầu.
Một thống kê khác của WIPO, như thể hiện trong biểu đồ kèm theo là một bức tranh đáng suy nghĩ khác, về tỷ lệ sáng chế từ khu vực doanh nghiệp, cá nhân, các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu của Chính phủ.
Trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam ở nhóm cuối về tỷ lệ đơn sáng chế PCT thuộc khu vực doanh nghiệp, và không có các đơn sáng chế PCT từ khu vực các trường đại học và từ các tổ chức chuyên nghiên cứu và thuộc chính phủ.
Với tỷ lệ đơn sáng chế từ khu vực doanh nghiệp chỉ có 36%, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu năm 2022 là 87,6% (và luôn ở mức trên 85% từ năm 2013 đến nay và xấp xỉ 84% trong nhiều năm trước đó).
Từ những con số đáng suy nghĩ này, chúng ta sẽ cần có những điều chỉnh, định hướng đáng quan tâm về chiến lược khoa học và công nghệ quốc gia trong những năm tới, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, coi phát triển khoa học và công nghệ là một trụ cột phát triển, “là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ và ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam hôm 15/5 vừa qua.
Trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, số lượng đơn sáng chế và các đơn sáng chế PCT từng năm nên được coi là một tiêu chí quan trọng hàng đầu, và cũng nên là chỉ tiêu cụ thể về khoa học và công nghệ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Ở tầm quốc gia, cũng cần hướng đến cấu trúc bền vững về tỷ lệ đơn sáng chế từ các khu vực khác nhau, trong đó coi mục tiêu tăng trưởng số lượng sáng chế từ khu vực doanh nghiệp tiến đến gần tỷ lệ của thế giới, và thúc đẩy để có được các sáng chế từ các đại học và các tổ chức nghiên cứu của chính phủ là yếu tố quan trọng.
Với tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ đang ở mức khá thấp, khoảng hơn 0,5% GDP, so với khoảng 2,5% ở Trung Quốc – quốc gia đứng đầu về số lượng sáng chế toàn cầu hiện nay, chúng ta sẽ cần có sự thay đổi cơ bản trong việc sử dụng hợp lý và hiệu quả ngân sách nhà nước như nguồn vốn mồi, để kích thích đầu tư xã hội, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp cho nghiên cứu và tạo ra các sáng chế.
Cùng với việc hỗ trợ để phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học, có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần thật sự nhìn vào bức tranh của Việt Nam và so sánh với thế giới, để có được những giải pháp hiệu quả, đột phá, hữu ích cho khoa học và công nghệ” giúp chúng ta rút ngắn con đường đi tới mục tiêu”, như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.