“Lực lượng hàng không, máy bay không người lái (UAV), lính tên lửa, và pháo binh của các lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy kho chứa nhiên liệu của Ukraine, 5 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất cùng với thiết bị quân sự nước ngoài, và một căn cứ chứa USV”, Bộ Quốc phòng tuyên bố hôm 25/7.
Quân đội Nga còn nhắm mục tiêu vào các xưởng sửa chữa cơ khí và thiết giáp, cùng các cụm quân và thiết bị quân sự của Ukraine ở 104 khu vực khác nhau.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 bệ phóng tên lửa HIMARS, và 52 UAV mà trong đó 26 UAV bị phá hủy ở ngoài khu vực triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ukraine đã mất hầu hết lực lượng hải quân truyền thống, khi bán đảo Crưm sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014. Tuy nhiên, Ukraine đã tấn công bằng USV và được cho đã gây tổn thất lớn cho Hạm đội Biển Đen của Nga. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga cũng bị USV Ukraine tấn công như cầu Kerch, nối đất liền Nga với bán đảo Crưm.
Mỹ bị tố muốn lập các trung tâm hậu cần ở Biển Đen
Hôm 25/7, trợ lý Tổng thống Nga Nikolai Patrushev cho rằng Mỹ muốn thành lập các trung tâm hậu cần ở Biển Đen để tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraine, và triển khai vũ khí tầm xa.
“Tại các quốc gia trong khu vực Biển Đen, Mỹ có ý định thành lập các trung tâm hậu cần để đẩy nhanh hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine, cũng như triển khai các loại vũ khí tầm xa hiện đại”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Patrushev.
Cũng theo ông, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã trình bày kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự, và gia tăng đối đầu ở Biển Đen.
Ông Patrushev nói thêm, trong năm nay, số lượng các cuộc tập trận chung giữa hải quân Nhật Bản với các nước NATO và các đồng minh quân sự khác của Washington đã tăng gấp 30 lần so với năm 2023.