Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tính toán, đánh giá một cách khoa học về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng hưu, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật được Thường trực Chính phủ cho ý kiến vào ngày 19 và 21/7.
Đó là các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật phòng chống mau bán người (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đánh giá dự án luật này có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Nội dung dự án luật cơ bản đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật về cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong điều kiện mới, khắc phục nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ; thực hiện phân cấp, phân quyền cần đi liền với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật, hợp tác công - tư…
Khuyến khích người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Về rút bảo hiểm xã hội một lần, Thường trực Chính phủ lưu ý, đây là vấn đề “khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội”.
Vì vậy, có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể. Đồng thời phải nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Thường trực Chính phủ cũng lưu ý, cần bổ sung phân tích về cơ sở lý luận, thực tiễn để đánh giá khoa học về cách tính, tổng mức chi phí cụ thể với mỗi phương án. Từ đó đưa ra quan điểm về phương án được lựa chọn để Chính phủ xem xét, quyết định.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tính toán, đánh giá một cách khoa học việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng bảo hiểm xã hội. Việc này phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Thường trực Chính phủ yêu cầu đánh giá rõ hành vi vi phạm và các vấn đề liên quan để đề xuất giải pháp phù hợp. Đặc biệt là nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện, minh bạch, không gây khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện quyền, trách nhiệm của họ.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ lưu ý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu về dân cư để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, quản trị bảo hiểm xã hội, tránh việc lợi dụng, tiêu cực, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội.
Thường trực Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
Điều này nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, thể hiện chủ trương không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hướng tới đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chính sách bảo hiểm xã hội
Kết luận cuộc họp về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết, đánh giá kỹ việc thi hành các luật hiện hành; phân tích kỹ những quy định cần kế thừa, đã được thực tế chứng minh áp dụng có hiệu lực; những quy định cần bãi bỏ vì đã không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo.
Thủ tướng lưu ý, các bộ không được quy định thêm thủ tục hành chính mà chỉ giảm bớt thủ tục, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phân cấp mạnh cho cấp dưới. Đặc biệt là bỏ tất cả những quy định có tính chất “xin- cho”; giao quyền cho địa phương, cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp.
Với những nội dung, phương án đề xuất, các cơ quan chủ trì soạn thảo luật phải lý giải cụ thể và có quan điểm rõ ràng; tiếp tục đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách đưa ra hiệu quả, khả thi; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách….
BHXH Việt Nam vừa có hướng dẫn thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023.