Môi trường là một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê, tạo mỹ quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Để nâng cao chất lượng tiêu chí này, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành và người dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An đặc biệt quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động, mô hình thiết thực, hiệu quả.
Huyện ủy, UBND huyện, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát động thực hiện nhiều tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Các xã, thị trấn chọn 1 tuyến đường điểm tại địa phương để trồng cây và xây dựng những mô hình xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình xử lý rác thải đã mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình Tái chế chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp do Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hội Nông dân huyện triển khai; Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước được chọn làm điểm thực hiện mô hình.
Theo ông Phan Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, hợp tác xã được hướng dẫn xây dựng bể ủ, hỗ trợ chế phẩm sinh học sử dụng trong quá trình ủ rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón, rút ngắn thời gian ủ từ 3 tháng còn 1,5 tháng. Sau 3 tháng thực hiện, mô hình thu được 8 tấn phân bón hữu cơ, giảm hơn 80% lượng rác thải hữu cơ hàng ngày không phải thu gom, vận chuyển đi xử lý, giúp hợp tác xã cũng như các thành viên tiết kiệm chi phí và thời gian.
Hay mô hình Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, tái chế chất thải hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp phát sinh ở khu vực nông thôn tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn, cách sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rác, sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng... và được tặng thùng xử lý rác hữu cơ.
Nhằm nâng cao hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về phân loại và xử lý riêng chất thải rắn sinh hoạt, chung tay giữ gìn vệ sinh, tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, phát huy ý thức cộng đồng. Hình thức tuyên truyền đa dạng, bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp qua các nền tảng số như: Zalo; Facebook, trang thông tin điện tử của xã, loa di động, đài truyền thanh...
Bên cạnh đó là vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường. Phòng Tài nguyên và Môi trường còn thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật phân loại rác tại nguồn và hướng dẫn sử dụng thùng ủ compost hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Cùng với các phòng ban chuyên môn, chính quyền huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Đước cũng triển khai nhiều chương trình bảo vệ môi trường. Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò chủ chốt, xuyên suốt quá trình thực hiện tiêu chí, vì vậy, các nội dung về bảo vệ môi trường, quy định của Luật Bảo vệ môi trường được Hội tuyên truyền sâu rộng đến hội viên.
Hội vận động trên 33.000 hộ phụ nữ đăng ký thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam". 100% Hội cơ sở duy trì và nâng chất “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”, thực hiện mô hình Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào Chống rác thải nhựa; duy trì thực hiện mô hình Phân loại rác tại nguồn; Tổ phụ nữ thu gom và xử lý rác thải; Tiết kiệm từ phế liệu... Hiệu quả từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” tạo sự chuyển biến rõ nét từ suy nghĩ đến hành động của hội viên phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn huyện nói chung trong việc bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, huyện Cần Đước sẽ tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia thu gom, xử lý rác thải đồng bộ hóa trang thiết bị nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Vận động các doanh nghiệp sản xuất, phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy chuyển sang sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường.
Thực hiện công tác quản lý đối với chất thải từ sản xuất nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, thực hiện các mô hình quản lý chất thải nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; tuyên truyền, vận động người dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Qua đó, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công huyện nông thôn mới, tiến đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.