Những năm gần đây, Đà Lạt xảy ra tình trạng mưa ngập cục bộ, sạt lở với tần suất dày đặc. Ngập nước, sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng. Trận mưa kéo dài khoảng 30 phút đã gây ngập nhiều tuyến đường với các khu dân cư, như: Yersin, Golf Valley, Mạc Đĩnh Chi, vườn hoa Đà Lạt… Riêng hai ngày cuối tháng 6 năm nay, địa phương xảy ra 13 vụ sạt lở. Trong số đó, bờ taluy công trình trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 bị sạt lở, hàng tấn đất đá tràn xuống phía dưới khiến nhiều biệt thự, nhà cửa hư hỏng, 2 người chết, 5 người bị thương.
Tương tự, thành phố cao nguyên còn đối mặt với đối mặt với ô nhiễm, kẹt xe ở nhiều khu vực trung tâm. Thành phố này từng được cảnh báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ùn tắc giao thông phải lắp đặt đèn tín hiệu cũng đã không còn danh hiệu "thành phố không đèn giao thông".
Nguyên nhân của các vấn nạn trên hẳn không khó nhận ra. Dồn nén quá mức bê tông hóa. Rừng bị thu hẹp, chặt cây xanh quá nhiều, san ủi làm dự án xây dựng. Lấn chiếm suối, hồ. Không gian dẫn dòng và thoát nước, thấm nước, trữ nước bị thu hẹp.
Các vấn đề này ngày càng trầm trọng, lan rộng hơn, đan xen với những mối quan hệ chằng chịt. Vì thế, giải quyết cụ thể sự việc, không thể chỉ dùng một biện pháp trực tiếp nào đó hay biện pháp tình thế mà cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể.
Lấy tình trạng ngập nước, các vụ sạt lở vừa qua làm ví dụ. Không thể cứ sạt lở đến đâu thì vào cuộc xử lý, di dời dân đến đó. Hay cứ ngập nước chỗ nào, khắc phục chỗ đó. Tất nhiên phải có giải pháp trước mắt, nhưng cần hướng đến hiệu quả thiết thực lâu dài. Bởi liên quan đến các vấn đề lớn trong đô thị phải có sự phối hợp liên ngành, nghiên cứu thực tế, dựa trên những số liệu tính toán chính xác. Chẳng hạn nhìn rộng ra một chút, ngập nước và sạt lở không chỉ là do biện pháp xây dựng chưa đảm bảo mà còn có nhiều nguyên nhân khác.
Cây xanh vô cùng quan trọng với đời sống con người giúp cải tạo khí hậu, lọc khí độc, điều hòa nhiệt độ, giúp trữ nước, giữ đất, tạo cảnh quan, bảo vệ an toàn địa hình, chống xói mòn... Ngày nay nhiều nơi đô thị hóa, làm dự án lại đốn hạ cây xanh có sẵn và lấn suối, núi rồi xây bờ kè vừa tốn kém vừa dễ gây sạt lở.
Đà Lạt có địa hình với độ dốc lớn, đồi suối, sườn núi nếu chặt cây xanh san lấp mặt bằng làm taluy bê tông thay thế sẽ khó đảm bảo an toàn. Mùa nắng thì đất khô cằn, không giữ ẩm. Mùa mưa không còn nhiều rễ cây sâu và rộng bám đất, giữ nước. Mưa sẽ tạo thành sình lầy trong lòng đất cùng với dòng nước chảy chia cắt phía trên đỉnh, sườn và dưới chân đồi núi. Nước xoáy vào các chân đồi tạo ra lũ, xảy ra những vụ sạt lở đất càng lớn.
Đà Lạt có diện tích khoảng 393km², hơn 90 năm trước những kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Tuy nhiên đến nay, Đà Lạt có dân số gần 500.000 người, những ngày cuối tuần giao động từ 620.000 - 650.000 người, lúc cao điểm lên đến khoảng 1 triệu người. Trong vòng 20 năm qua, mật độ xây dựng tăng cao, bê tông hóa càng nén chặt khu vực trung tâm.
Đà Lạt đã thiếu nước gặp vô vàn trở ngại, tăng lượng lớn dân số càng tạo lên áp lực khai thác nước ngầm. Bê tông hóa mở rộng càng suy giảm nguồn nước ngầm, thu hẹp không gian thoát nước. Hạ tầng giao thông đã quá tải, thêm phương tiện sẽ càng tắc nghẽn.
Đề án tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhà kính trong khu vực trung tâm vào năm 2030, liệu có khả thi? Nhìn từ trên cao dễ thấy không gian nhà kính rải rác mọi ngóc ngách, 10/12 phường. Nếu phải cưỡng chế thu hẹp thì chỉ có thể áp dụng những khu vực đất rừng, lâm nghiệp và đất công. Còn đất do người dân đứng tên quyền sử dụng là tài sản riêng, có chăng là vận động và tạo điều chuyển đổi mô hình nông nghiệp không làm trong nhà kính. Dù gì cũng duy trì hoạt động nông nghiệp, đảm bảo năng suất và thu nhập cho người dân.
Phòng chống sạt lở đất, đồi núi, suối hồ không gì hiệu quả bằng trồng những loại cây xanh thích hợp. Đà Lạt giờ không chỉ dừng san lấp mặt bằng, bê tông hóa mà còn phải tăng cường trồng cây xanh, ưu tiên chọn loại có bộ rễ lớn phủ rộng đâm sâu bám chặt đất là cách chống sạt lở hiệu quả vừa đáp ứng nhiều mục tiêu phục vụ phát triển bền vững.
Với đặc thù địa hình không thể cấm xây dựng công trình, nhà cửa trên các triền dốc, đồi núi nhưng phải trên cơ sở an toàn có khảo sát, thiết kế, tính toán kỹ thuật và giám sát chặt chẽ đảm bảo tuân thủ các điều kiện cho phép và chỉ tiêu sử dụng đất. Hạn chế tối đa phá rừng, thu hẹp mảng xanh, tác động xấu môi trường tự nhiên. Nếu là vị trí đất yếu hoặc nơi có nguy cơ sạt lở cao thì không nên cho mở khu dân cư, xây dựng các công trình nhà ở. Có thể rà soát xem xét, đánh giá các khu vực đó và khoanh vùng áp dụng quy định riêng.
Hãy tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị liên thông với nhau tùy khu vực phù hợp dẫn dòng ra hồ Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Mê Linh, Than Thở, Đa Thiện với suối Cam Ly. Đây là việc trước sau gì cũng phải làm nhưng làm càng sớm càng lợi, đỡ thiệt hại và tốn kém hơn, ngoài góp phần giải quyết thoát nước hiện tại còn khơi thông và tạo dòng chảy theo quy hoạch. Chặn bớt đà ngập nước bằng những giải pháp trước mắt có thể làm ngay không tốn kém nhiều như rà soát, xử lý tình trạng lấn chiếm kênh mương, cống rãnh và khơi thông dòng chảy dẫn nước thoát ra các thung lũng, vùng trũng có không gian trống vừa giúp thấm hút nước xuống đất.
Đã đến lúc tập trung phát triển giao thông xanh, phương tiện công cộng, xe buýt điện, xe đạp kết hợp đi bộ đồng thời có giải pháp hạn chế xe cá nhân cho khu vực trung tâm. Biến một phần đường phố nội khu thành không gian sinh hoạt cộng đồng thanh lịch, trung tâm mua sắm vừa tham quan, ngắm cảnh, thư giãn với các trò chơi biểu diễn nghệ thuật, đờn ca, hội họa…
Quy hoạch đô thị hướng đến sắp xếp không gian, công trình. Khuyến khích phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đầy đủ và đa dạng trong sự hài hòa với môi trường xanh. Giãn dân số ra ngoại thành bằng cách phát triển đô thị vệ tinh vùng ven huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương… Quy hoạch và thiết kế đô thị không chỉ cơ quan chức năng thuê đơn vị tư vấn đứng ra lập, lấy ý kiến người dân mà còn phải thực chất đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững với môi trường sống, đổi mới sáng tạo, kinh tế xã hội, chiến lược hiện thực hóa. Thêm vào đó là một quy trình thường xuyên giám sát, xem xét lại các hệ thống và chính sách đô thị kịp khắc phục những bất cập và hướng tới tương lai tốt hơn.