Câu chuyện ô tô chiếm làn, chạy “rùa bò” gây chú ý khi mới đây TS. Đặng Minh Tân (Trường ĐH Giao thông Vận tải) công bố khảo sát trên 3 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc và Hà Nội - Thái Nguyên cho thấy, đa số các phương tiện chọn làn phía trái (làn số 1) với đường 4 làn xe và chọn làn số 1, số 2 đối với đường 6 làn xe.
Trong đó, đối với xe tải, chỉ có 42,62% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 2) ở đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; 37,15% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và 28,86% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.
Đặc biệt nhiều phương tiện dù chạy với tốc độ dưới 40km/h nhưng vẫn đi ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải.
Công bố này nhận được nhiều xác nhận của giới tài xế. Hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc khi đã từng phải trải qua tình cảnh xe tải dàn hàng ngang chiếm 2 đường, mặc kệ phía sau hàng dài ô tô con phải rồng rắn bò theo.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hằng ngày anh phải lái xe di chuyển từ nơi ở tới công ty ở Thái Nguyên. Gần như ngày nào anh cũng gặp cảnh xe khách, xe tải chiếm làn số 1, thậm chí có những hôm còn gặp cả xe treo biển tập lái nhưng vẫn thản nhiên đi như "rùa bò".
“Nguyên nhân có thể do chúng ta xử phạt chưa nghiêm. Tôi thấy có ý kiến cho rằng quy định chưa rõ ràng về các phương tiện được phép đi trên mỗi làn cao tốc dẫn đến tình trạng lộn xộn, vì vậy nên quy định làn số 1 cho xe con, làn 2, 3 cho xe tải.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định như thế cũng chưa thể khắc phục được tình trạng hiện nay khi nhiều ô tô con chạy "rùa bò" vẫn bám làn số 1. Do đó, chỉ cần nâng tốc độ tối thiểu ở làn số 1 và số 2 lên, ví dụ quy định tốc độ 90 -120km/h.
Như vậy bắt buộc xe chạy tốc độ thấp hơn 90km/h phải đi làn số 3 nhường đường cho những xe chạy nhanh ở làn số 1 và 2. Song song đó, cần xử phạt nghiêm khắc, thậm chí cân nhắc nâng mức phạt”, anh Mạnh nói.
Trao đổi thêm với VietNamNet về vấn đề này, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về giao thông trên đường cao tốc.
Trong đó, quy định ô tô không được chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
Ngoài ra, tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT có quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, Điều 9 quy định: Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h. Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.
Hiện nay, không có quy định chung về tốc độ tối thiểu trên cao tốc mà mỗi tuyến đường và làn đường sẽ có quy định riêng nhưng không được dưới 50 km/h. Tốc độ tối thiểu được áp dụng phổ biến nhất trên các tuyến đường cao tốc là 70km/h.
Luật sư lưu ý, nếu lái xe vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
“Theo Điểm s, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 100, mức phạt cho việc điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ là từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu chạy xe dưới tốc độ tối thiểu và gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2- 4 tháng”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng thông tin.