"Nạn đói tiềm ẩn"

Tại Việt  Nam, theo  điều  tra  của  Viện  Dinh  dưỡng Quốc gia (năm 2014-2015), tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi (31,2%), nông thôn (28,4%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%).

Theo PGS. Trương Thị Tuyết Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thiếu vi chất được xem là “nạn đói tiềm ẩn”. Tỷ lệ thiếu vi chất ở trẻ em vùng núi, dân tộc thiểu số là do bữa ăn thiếu hụt dinh dưỡng, bữa ăn kém đa dạng và vấn đề an toàn thực phẩm. Ước tính, 70% trẻ không được ăn đúng, ăn đủ.

Trẻ em vùng núi, dân tộc thiểu số đối diện với “nạn đói tiềm ẩn” còn do nguyên nhân khác đó là vấn đề giao thông, đi lại khó khăn, mức sống thấp khiến trẻ khó tiếp cận được các nguồn thực phẩm tốt. Ngoài ra, trẻ ở 1.000 ngày đầu đời bao gồm cả quá trình người mẹ mang thai đã thiếu chất dẫn tới tình trạng này càng phổ biến hơn.

Trong khi đó, thiếu vi chất ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ và để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe hiện tại cũng như lâu dài của trẻ.

Suy dinh duỡng và thiếu vi chất cũng làm cho trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp và tiêu hoá. Hơn thế, khi trẻ mắc bệnh tiên lượng xấu hơn và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin D, sắt, kẽm... vẫn còn cao.  

Trẻ em tại vùng núi Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: PV

Theo ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, thực tế dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi, dân tộc thiểu số thiếu hụt dẫn tới trẻ thiếu vi chất cao hơn các vùng miền khác. Ông Khoa đã đi thực tế ở các vùng núi thấy trẻ chỉ ăn cơm, rau, không có thực phẩm khác. Thậm chí, tại Yên Bái nhiều trẻ ăn cơm với măng qua ngày. 

Ông Khoa cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của cả xã hội. Các địa phương tăng cường phát triển vườn - ao - chuồng là nguồn thực phẩm tự cung, tự cấp cho bà con để thay đổi khẩu phần thực phẩm trong bữa cơm gia đình.

Ví dụ, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn bà con chăn nuôi gà, vịt, trồng thêm nhiều rau xanh... để đảm bảo bữa ăn đủ chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tất cả người dân, chính quyền các cấp cần bắt tay vào thực hiện ngay để đảm bảo thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Không nên chờ giàu mới bổ sung vi chất

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, trẻ em vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số thiếu các vi chất như sắt, kẽm, vitamin D… Việc giải quyết vấn đề thiếu vi chất ở trẻ em cũng là giải pháp căn bản trong chương trình xóa đói giảm nghèo ở những vùng khó khăn.

Theo ông Tuấn, chúng ta không thể chờ hết nghèo mới bổ sung vi chất cho trẻ mà cần kết hợp với các chính sách chăm sóc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hiện nay, các địa phương cần tăng cường truyền thông tới người dân, cộng đồng dân tộc ít người về vai trò của vi chất.

Trong thời gian tới, các địa phương  không chỉ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cần thực hiện chiến dịch tập huấn, tuyên truyền tới từng hộ gia đình. Cán bộ y tế cơ sở nên trò chuyện, hướng dẫn bà mẹ, người chăm sóc trẻ cách đảm bảo dinh dưỡng chế biến thực phẩm như thế nào để trẻ hấp thu được dinh dưỡng tốt nhất bao gồm cả khoáng chất và vitamin.

PGS. Trương Thị Tuyết Mai cho biết thêm, ngoài vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng cần triển khai sớm. Trẻ cần được chăm sóc từ trong bụng mẹ; cần đưa trẻ em và bà mẹ có thai vào nhóm các đối tượng được can thiệp hỗ trợ y tế sớm nhất.

Tuyên truyền cho bà con hiểu tác dụng của vi chất, tăng cường bổ sung vi chất cho trẻ từ nhà trường, gia đình trong đó có chương trình bổ sung vitamin A hằng năm do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 6 và tháng 12.

K.Chi