Không được phép thiếu vốn
Đây là những kiến giải sau chỉ đạo sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp ngày 5/10: Rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Chia sẻ với PV VietNamNet, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, xây dựng cơ chế đặc thù triển khai dự án này phải đạt được các mục tiêu: Đúng tiến độ, làm chủ công nghệ và tạo động lực phát triển KT- XH.
Trong đó, mục tiêu đầu tiên là cần có cơ chế tập trung nguồn vốn. Mặc dù dự án có nguồn vốn lớn nhưng phải tập trung ưu tiên số 1, không được phép thiếu vốn trong quá trình triển khai.
“Như vậy, chúng ta phải tính đến giải pháp huy động vốn như: Tăng nợ công, phát hành trái phiếu Chính phủ huy động các nguồn lực trong nước, thậm chí có thể phát hành trái phiếu quốc tế để huy động nguồn lực quốc tế”, ông Cường nói.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ cũng nêu đề xuất 5 cơ chế đặc thù làm đường sắt tốc độ cao. Trong đó, có chính sách đặc thù sử dụng vốn ngân sách.
Theo ông Nghĩa, quy định hiện hành không cho phép điều chuyển vốn từ hạng mục này sang hạng mục khác. Tuy nhiên, với dự án này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Quốc hội cần cho phép Chính phủ, Thủ tướng được quyền điều chuyển nguồn vốn một cách linh hoạt giữa các khoản với nhau, cũng như giữa các hạng mục với nhau.
“Ví dụ, trong dự án có nhiều hạng mục như đền bù giải phóng mặt bằng, mua công nghệ, tư vấn thiết kế, thi công xây lắp... Quá trình triển khai, sẽ có hạng mục làm trước, làm sau. Như vậy, ở cùng một thời điểm sẽ có hạng mục chưa cần hoặc cần ít vốn và ngược lại.
Trong trường hợp đó, tiền từ nơi chưa cần sẽ phải được điều tiết sang chỗ đang thiếu, dứt khoát không để thiếu vốn. Như doanh nghiệp xây lắp mà thiếu tiền, không huy động được nhân công, dự án chậm tiến độ ngay”, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.
Ngoài ra, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh đến cơ chế đặc thù trong việc giải phóng mặt bằng, gắn với trách nhiệm của các địa phương. Mỗi địa phương có dự án đi qua phải đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch và đúng tiến độ.
Nhà thầu nên là doanh nghiệp Việt
Tránh tái diễn tình trạng chậm tiến độ như những dự án đường sắt đô thị vừa qua, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải xây dựng cơ chế rất đặc biệt liên quan đến chuyển giao công nghệ.
“Nếu chúng ta để những nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu, để họ tổ chức thi công xây dựng, mang thiết bị vào lắp đặt thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái bị lệ thuộc, thậm chí bị kéo dài thời gian.
Điển hình như mấy dự án đường sắt đô thị vừa qua. Khi nhà thầu nước ngoài là chủ thầu thì vướng bất kỳ điều gì người ta sẽ dừng lại mà chúng ta không có khả năng can thiệp. Trong khi, nếu chúng ta tự thực hiện, có thể dồn lực, tạo ra sức ép, cam kết tiến độ hoàn thành.
Ví như việc xây dựng đường dây 500KW mạch 3, chúng ta đã triển khai thần tốc. Vì sao? Vì chúng ta làm chủ của các gói thầu đó, tự chúng ta làm. Khi đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể đốc thúc, có thể yêu cầu, có thể đặt ra các kế hoạch tiến độ và sức ép để triển khai bằng được”, GS.TS. Hoàng Văn Cường dẫn chứng.
Do đó, theo ông Cường, dự án phải thực hiện được vai trò làm chủ, các nhà thầu phải là người Việt, là các doanh nghiệp Việt Nam mà không phải là nhà đầu tư nước ngoài.
Để làm được điều này, các nhà thầu Việt Nam phải liên doanh, liên kết với nhà thầu nước ngoài. Trong đó vai trò nhà thầu nước ngoài chỉ đứng bên cạnh chuyển giao công nghệ, giải quyết những vấn đề về kỹ thuật cho các nhà thầu trong nước thi công, tự triển khai.
“Như vậy chúng ta cần có chính sách rất đặc biệt: Nhà nước đặt hàng các tập đoàn, các doanh nghiệp trong nước để họ có thể trở thành chủ dự án, chủ công trình và họ sẽ đi tìm các đối tác để thực hiện”, ông Cường đề xuất.