Chiều 23/4, buổi ký kết phối hợp hoạt động giữa Thành đoàn TP.HCM và Đường sách TP.HCM giai đoạn 2022 – 2027 và chương trình giao lưu Sách và thanh niên tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TPHCM. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM và các đơn vị phát hành trao tặng 1000 tài khoản sách nói cho học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong đó, có trường hợp các em học sinh, sinh viên mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19 giúp các em tiết kiệm chi phí học tập, sinh hoạt, đủ điều kiện nâng cao tri thức.
Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn thông qua hoạt động này, học sinh, sinh viên có thể tiếp cận, trải nghiệm, tương tác với việc đọc sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo; giúp tiếp thu và ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả hơn. Qua đó, nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách, những thông điệp tích cực từ sách đến với các em. Điều này góp phần động viên các em tiếp tục vươn lên trong học tập, phấn đấu trở thành một công dân tốt giúp ích cho gia đình, xã hội và đất nước.
Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, chương trình tọa đàm Sách và thanh niên cũng diễn ra tại đây. Chương trình có sự tham dự của các diễn giả: Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP. Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Bích Trâm - Trưởng nhóm Biên tập và Phát triển nội dung ứng dụng sách nói Fonos và nhà văn Dương Thuỵ - tác giả của nhiều tác phẩm được giới trẻ yêu thích.
Với thời lượng một tiếng đồng hồ, chương trình trao đổi về văn hóa đọc hiện nay của giới trẻ. Các nội dung trao đổi bao gồm: chia sẻ thông tin từ các diễn giả, giúp giới trẻ hiểu thêm về ý nghĩa và tầm quan trọng của sách. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cần được hiểu đúng và đẩy mạnh trong thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay.
Qua khảo sát, các diễn giả nhìn nhận rõ thực trạng người dân Việt Nam đọc sách còn thấp. Trung bình mỗi người Việt Nam đọc khoảng 4-5 cuốn mỗi năm, trong đó phần nhiều là giáo trình. Theo lộ trình, các nhà quản lý mong muốn nâng lượng sách tiêu thụ lên 12 cuốn mỗi năm. Đây là định hướng khiêm tốn nhưng khả quan và phù hợp để đi đường dài của ngành xuất bản.
Theo ông Lê Hoàng, việc tỷ lệ người trẻ ít đọc sách hiện nay xuất phát phần nhiều từ chính việc không được tạo lập thói quen từ bé. Thay vì đọc sách, xem truyện, phần nhiều trẻ em lại được tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử. Điều này tạo sự xa rời với việc đọc và khiến các bé bị động khi tiếp cận với sách.
“Tôi nghĩ văn hóa đọc có phát triển mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào thói quen đọc sách của mỗi người, mà điều này nên được rèn từ nhỏ. Cha mẹ cùng đọc sách với con, thầy cô ở trường dùng sách để dạy học và lan tỏa tình yêu sách cho học trò. Việc này cần được làm thường xuyên, nghiêm túc để tạo lập một nền tảng cho các bé như một phần sinh hoạt của đời sống”, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng, một người trẻ cần duy trì 3 yếu tố trụ cột để duy trì việc đọc sách, gồm: thói quen, sở thích và kỹ năng. Những điều này góp phần bổ trợ nhau và giúp họ tiếp thu những kiến thức từ sách, trang bị được nhiều hơn kiến thức làm hành trang bước vào đời.
Trước câu hỏi, Thói quen đọc sách của giới trẻ Việt Nam và thế giới khác biệt thế nào?, tác giả Dương Thuỵ - người từng có cơ hội đi và làm việc tại nhiều nước trên thế giới cho biết điểm khác lớn nhất nằm trong cách sinh hoạt văn hóa đọc sách.
Ở các nước phương Tây, hình ảnh những người ngồi bên vỉa hè, quán cà phê hay một góc phố đọc sách là điều rất phổ biến. Tuy nhiên, hình ảnh này lại hầu như rất hạn chế ở Việt Nam khi phần đông mọi người sẽ dùng smartphone trong thời gian rảnh rỗi.
“Tôi nghĩ chúng ta nên học hỏi những điều ấy từ nước ngoài. Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con đọc sách và đừng ép buộc con phải đọc sách như mình muốn. Khi việc đọc sách không chịu bất kỳ sự áp lực nào sẽ giúp các bạn trẻ tìm đúng đam mê, định hướng với lĩnh vực mình muốn tìm hiểu”, Dương Thụy chia sẻ.
Tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, yếu tố chuyển đổi số được đặc biệt nhấn mạnh. Theo các diễn giả, đây cũng là điều quan trọng cần được tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ để giới trẻ có thể kết nối và thích nghi theo xu hướng.
Do vậy, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo; khám phá các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống… trong thế hệ trẻ hiện nay là điều rất cần thiết.
Tuấn Chiêu