Lời tòa soạn: Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến. Dự thảo có nhiều quy định mới về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó đáng chú ý là các quy định liên quan đến quảng cáo xuyên biên giới và người có tầm ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Báo VietNamNet xin gửi đến bạn đọc tuyến bài viết về vấn đề này.

Bài 1: Quy định mới về quảng cáo xuyên biên giới và người có tầm ảnh hưởng

Một trong những điểm mới của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lấy ý kiến là việc bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 36, quy định về người chuyển tải quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Dự án Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên”.

Tamanhhuong
Cần quy định rõ ràng và chi tiết về người có tầm ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nguồn ảnh: Nhanhvn

Luật cần quy định chi tiết và cụ thể hơn

Theo đại diện Unilever Việt Nam, Điều 3.9 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng định nghĩa "người có ảnh hưởng" là chuyên gia, người có uy tín được xã hội chú ý trong các ngành nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ. Hiện Chính phủ đang dự thảo hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Trong dự thảo của Luật Quảng cáo 2024, không đề cập đến tiêu chí "người có ảnh hưởng" là như thế nào.

Để thực thi được Luật Quảng cáo đối với người có ảnh hưởng, Ban soạn thảo cần xem xét đưa hẳn tiêu chí "thế nào là người có ảnh hưởng" vào trong quy định của Luật để có thể thực hiện một cách chu toàn nhất.

Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng thắc mắc về việc quy định tiêu chí người có ảnh hưởng trên mạng xã hội  phải có tài khoản 500.000 người đăng ký theo dõi. Vị này lý giải, thông tin trên mạng xã hội thay đổi rất nhanh, hôm nay họ có thể là người có ảnh hưởng nhưng ngày mai sẽ không còn.

Đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) có cùng ý kiến, khi cho rằng khái niệm "người có ảnh hưởng" đã được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nội dung quy định tại dự thảo cần chỉnh sửa để phù hợp hơn.

Dự thảo còn có quy định “người có ảnh hưởng phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện”. Theo đại diện Amcham, khi thực hiện quảng cáo, một số doanh nghiệp sẽ thuê các công ty dịch vụ, đơn vị này có thể sẽ thuê người có ảnh hưởng để làm tuyên truyền. Như vậy, cần bổ sung thêm các công ty dịch vụ vào điều khoản này. Việc quy định người có tầm ảnh hưởng tuyên truyền thông điệp quảng cáo phải yêu cầu tổ chức có sản phẩm quảng cáo xác nhận lại nội dung trước khi làm, gây ra chồng chéo. Khi doanh nghiệp thuê công ty dịch vụ thực hiện nội dung quảng cáo, đơn vị này thuê người có ảnh hưởng sẽ phải truyền tải nội dung doanh nghiệp muốn nói, người có ảnh hưởng chỉ làm theo hợp đồng, giờ quay ngược lại hỏi tổ chức có sản phẩm quảng cáo thì sẽ trở nên rườm rà.

Một điều nữa cũng được đại diện Amcham thắc mắc. Tại quy định “khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm” thì bằng chứng ở đây cần cụ thể là gì. Chẳng hạn video khui hộp sản phẩm, hành động uống hay hoá đơn có được tính là bằng chứng, hay phải chờ cơ quan quản lý xác nhận.

Cùng quan điểm, đại diện CleverAds cho biết: Về định nghĩa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng, cần có thêm quy định hướng dẫn việc xác định thế nào là “người có uy tín, người được xã hội chú ý” trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ.

Với quy định"bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm", vị đại diện này cũng thắc mắc: Ở đây chưa nói rõ về việc bằng chứng này có bắt buộc phải cung cấp cho bên thuê dịch vụ không; nhãn hàng và đại lý có trách nhiệm kiểm tra, xác minh lại, lưu giữ bằng chứng không; và có phải liên đới chịu trách nhiệm khi bằng chứng không trung thực không?

Đại diện CleverAds đề xuất cần làm rõ 2 nội dung: Thế nào là bằng chứng cụ thể, chứng từ mua hàng, hay hình ảnh trong quá trình sử dụng, hay file ghi hình sử dụng và cần bao nhiêu bằng chứng (tất cả hay một hoặc một số); Cần quy định rõ việc người có tầm ảnh hưởng sẽ phải tự chịu trách nhiệm trong vấn đề này và cung cấp hồ sơ khi nhãn hàng, agency hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO AccessTrade chia sẻ, các doanh nghiệp làm quảng cáo cần Luật quy định một cách chi tiết và cụ thể hơn. Ông Hưng nhìn nhận tiêu chí "người có ảnh hưởng phải có 500.000 lượt đăng ký theo dõi trên mạng xã hội" là hợp lý. Nhưng với những người có số đăng ký theo dõi dưới con số này thì quy định như thế nào, cần được làm rõ.

Khi nào là đánh giá sản phẩm và khi nào được xem là quảng cáo?

Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số (DTS) cho biết: Mạng xã hội có sức ảnh hưởng ngày càng lớn, ngay cả trong hoạt động thương mại điện tử cũng chuyển thành từ khoá social commerce, với nguồn traffic lớn. Đây là môi trường đặc biệt, vì thế cũng xảy ra rất nhiều vấn đề về quảng cáo; trong đó có câu chuyện về người ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Theo ông Trương Gia Bảo, vấn đề phát sinh ở đây là: Khi nào thì xem người ảnh hưởng đang đánh giá (review) sản phẩm hay quảng cáo cho nhãn hàng. Hiện nay, trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok xuất hiện rất nhiều người đánh giá sản phẩm (reviewer), khi thấy một cửa hàng ăn ngon, một sản phẩm tốt, họ liền tiến hành đánh giá cho cộng đồng biết đến. Có nghĩa là họ chủ động làm chứ nhãn hàng hoàn toàn chưa đặt quảng cáo. Trừ các KOL (người ảnh hưởng), trên các mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều KOC (người tiêu dùng chủ chốt) họ tiến hành mua và đánh giá sản phẩm cho người dùng xem và gây ảnh hưởng đến các công ty làm dịch vụ quảng cáo cũng như thương mại điện tử rất nhiều.

“Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến việc quản lý người nổi tiếng phát ngôn và quảng cáo sản phẩm sai lệch. Bây giờ, KOC rất nhiều và rất khó phân biệt thế nào là KOL và KOC, bởi nhiều KOC có đến hàng triệu người theo dõi. Khi họ tiến hành livestream, có hàng trăm nghìn lượt người xem và thậm chí gây ảnh hưởng hơn cả người nổi tiếng. Đây là đối tượng mà Luật Quảng cáo sửa đổi cũng cần quan tâm”, ông Trương Gia Bảo cho biết.

Về vấn đề này ông Đỗ Hữu Hưng, CEO AccessTrade chia sẻ, việc phân biệt đánh giá hay quảng cáo có thể tham khảo luật của quốc tế. Chẳng hạn tại Mỹ, khi quảng cáo cho sản phẩm hay nhãn hàng, những người có ảnh hưởng đều phải ghi rõ sản phẩm này có được tài trợ, có nhận tiền từ nhãn hàng để đánh giá hay không, khi chia sẻ trên mạng xã hội cho người tiêu dùng.

Bài 3: Nên định nghĩa rõ ràng và quản chặt dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới