Chị Lê Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ khi con vào lớp 1, chị đều không đăng ký cho con ăn bán trú ở trường. 5 năm nay, chị liên tục đưa đón con về ăn trưa tại nhà. Người mẹ này lo ngại chất lượng dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm. Mặc dù, trong tuần đều có ban phụ huynh tới giám sát đầu vào thực phẩm, thực đơn cho cả tuần nhưng vẫn không thể bằng ăn ở nhà.

Hằng ngày, chị Hà đều tranh thủ trưa đón hai con đang học lớp 5 và lớp 3. Ở nhà, bà nội nấu ăn sẵn và ba mẹ con chị về ăn xong, nghỉ ngơi. Các con quay lại trường học ca chiều, chị Hà quay về cơ quan. Theo chị Hà, ăn bán trú ở trường tiện cho phụ huynh và học sinh nhưng chắc chắn không đủ chất. Các con chị đều có tiền sử sinh non nên việc chăm sóc các con càng kỹ hơn. Bố mẹ vất vả nhưng con cái được ăn uống đủ chất, sức khỏe đảm bảo cho việc học hành lâu dài. 

hoc sinh.png
Nhiều phụ huynh không đăng ký cho con ăn bán trú vì lo ngại chất lượng bữa ăn. 

Còn con trai chị Nguyễn Thị Vân (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) liên tục đòi mẹ cho về nhà ăn cơm. Trường cách nhà chưa tới 1km nhưng từ lớp 1 tới lớp 6 bé đều ăn bán trú. Lên lớp 7, con xin mẹ cho về nhà ăn trưa. Ban đầu, chị Vân không đồng ý vì không quản được, đi lại và ngủ nghỉ sẽ không như trên lớp. Tuy nhiên, con than thở suất ăn không đủ nên lúc nào cũng đói. Thực đơn không đa dạng, ăn nhiều ngán.

Con đang tuổi dậy thì cần bổ sung dinh dưỡng. Tính toán lợi ích sức khỏe lâu dài của con, chị Vân đã đồng ý không đăng ký bán trú cho con. Buổi sáng, trước khi đi làm nấu ăn trước, trưa về con hâm nóng lại ăn. Ăn trưa ở nhà, chiều về học, con trai không còn bị đói như trước, giảm ăn các đồ ăn vặt hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết bữa ăn tập thể luôn là đề tài được quan tâm hàng đầu. Trong đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học phụ huynh luôn quan tâm. Thực tế, trong thời gian qua vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường học, thậm chí học sinh tử vong vì ăn bán trú tại 1 trường quốc tế ở Nha Trang năm 2022.

Theo bác sĩ Sơn, ngộ độc thực phẩm ở trường học có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều thông tư liên tịch, quy định ngặt nghèo về bữa ăn bán trú nhưng quá trình triển khai có thể còn lỗ hổng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ theo học tại trường. 

Hiện nay, các trường tổ chức ăn bán trú theo hai hình thức: cơ sở giáo dục chế biến tại trường hoặc thuê bên thứ ba về thực hiện. Tuy nhiên, nhóm trường nào cũng cần đảm bảo cung cấp thực phẩm đủ an toàn, nguồn thực phẩm. Những chỉ số cần lưu tâm như: Thực phẩm đưa vào nhà trường có được chứng nhận đảm bảo đủ an toàn hay không; nơi cung cấp thực phẩm; địa điểm nấu ăn an toàn hay không; bữa ăn của trẻ có lưu mẫu hay không… hàng loạt vấn đề các trường học phải thực hiện chặt chẽ. Chúng ta không nên đợi khi xảy ra ngộ độc mới thay đổi.

Bác sĩ Sơn cho rằng, để đảm bảo bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng vai trò của công tác giám sát an toàn thực phẩm rất quan trọng từ đầu vào thực phẩm tới chế biến. Ngoài ra, các trường cần giám sát độc lập có thể từ đơn vị khác hoặc chính ban phụ huynh nhà trường đó. Thực đơn cho trẻ ăn bán trú cần đa dạng, đủ dinh dưỡng theo lứa tuổi của học sinh. 

Các trường cần có Phần mềm “Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” được xây dựng dựa theo nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng cho trẻ em 6-11 tuổi của "Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam” của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế. Đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần cải thiện sức khỏe học sinh trong tương lai.


 
 

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV