Vợ chồng chị H. từng nhiều lần làm thụ tinh ống nghiệm thất bại. Đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai phụ được phẫu thuật nội soi vào buồng ối, chữa bệnh trong bào thai nhằm lập lại cân bằng dinh dưỡng giữa hai em bé, để hai thai có thể phát triển tiếp. Kết quả, cặp song thai được cứu sống, chào đời khỏe mạnh.
Đây là một trong gần 240 ca can thiệp bào thai thực hiện thành công tại bệnh viện này, theo chia sẻ của GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chia sẻ bên lề Hội nghị chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội, ngày 2/12.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ được sinh ra, hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Tỉ lệ dị tật khoảng 2-3%, nghĩa là cứ 100 trẻ sinh ra sẽ có 2-3 trẻ bị dị tật nếu không được phát hiện, can thiệp y khoa.
Trong hơn 40.000 trẻ dị tật mỗi năm, khoảng 1.400 -1.800 trẻ bị bệnh Down, 250 - 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, 1.000 - 1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300 - 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, 15.000 - 30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, khoảng 2.200 trẻ bị tan máu bẩm sinh… Hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh.
Theo GS Ánh, bào thai trong bụng mẹ nếu mắc các hội chứng: Truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng, song thai không tim, cạn ối, đa ối, thiếu máu… đều có nguy cơ thai bị dị tật hoặc chết lưu mà không một bác sĩ nào dám “động” vào buồng ối. Trong khi đó, kỹ thuật can thiệp bào thai (đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng) sẽ tăng cơ hội chữa bệnh, cứu sống các bé.
Việt Nam hiện có 4 cơ sở thực hiện can thiệp bào thai, gồm Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Từ Dũ, Sản Nhi Bắc Ninh và một bệnh viện tư nhân.
"Ngành Sản được coi là 'bà đỡ của tương lai', với lĩnh vực sâu như y học bào thai đòi hỏi đầu tư lớn, mỗi ca can thiệp chúng tôi thực hiện hiện nay gần như lỗ nhưng chúng ta được những đứa trẻ khỏe mạnh" - GS Ánh nói.
Lấy ví dụ về chứng thiếu ối, bác sĩ cho biết khoảng 5% thai phụ có nguy cơ này. Có ca chỉ cần truyền 1 lần, có ca phải truyền tới 2 - 3 lần. Mới đây, bác sĩ còn chỉ định truyền tới 4 lần cho thai phụ trẻ bị cạn sạch nước ối ở tuần thứ 18.
Chị M.T. bị bong rau ngay khi biết tin mang thai 1 tháng, 3 tháng sau lại phát hiện thai nhi bị thiếu ối. “Nếu không can thiệp, thai nhi thiểu ối sẽ bị hỏng toàn bộ hệ thống tiêu hóa, cứng khớp, dạ con co bóp đe doạ nguy cơ tử vong cho em bé ngay trong bụng mẹ”, GS Ánh cho biết.
Thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không tiến triển, tới đâu chị cũng được khuyên nên đình chỉ thai nghén. Đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ chỉ định truyền ối. Nhưng sau 20 ngày nước ối lại cạn, chỉ định truyền lần 2 được đưa ra. Gần 1 tháng sau đó, chị T. được truyền thêm 2 lần nữa.
Sau khi truyền ối lần 4, thai nhi tăng đều cân nặng mỗi tuần. Khi thai ở tuần 28, chị T. được chỉ định nhập viện mổ chủ động, tránh suy thai. Bé gái nặng 1,1kg chào đời, được đưa ngay vào Khoa Sơ sinh. Sau 1,5 tháng, bé tăng lên 2kg, khỏe mạnh, được xuất viện.
Năm 2023, các kỹ thuật can thiệp bào thai mới điều trị một số dị tật bẩm sinh khác cho thai nhi như thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, truyền máu thai thiếu máu, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước bể thận... sẽ được viện này thực hiện.
Theo GS Ánh, các cơ sở tuyến dưới khi phát hiện thai phụ có dấu hiệu bệnh, nếu không can thiệp được cần chuyển sớm đến tuyến trên để tăng cơ hội cứu sống mẹ và thai nhi.