Chạy lỗ, bán xe nghỉ cho khỏe
Đội xe 10 chiếc của ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Giám đốc Công ty Vận tải Ba Châu (tuyến TP.HCM - TP. Cần Thơ - Ô Môn) những ngày này được lăn bánh đều trong sân đậu của Bến xe miền Tây. Nào ai ngờ, để giữ 10 đầu xe trọn vẹn qua mùa dịch, ông Hiệp phải bán đi miếng đất trị giá 5 tỷ đồng ở Cần Thơ để trả nợ vay ngân hàng và lấy tiền nuôi xe, trả lương nhân viên.
Chỉ ít tháng trước, giá xăng dầu bám mốc khoảng 30.000 đồng/lít đã gần như “giết chết” nhà xe.
“Một cơn ác mộng, giá nhiên liệu tăng liên tiếp quá nhanh. Tính ra, mỗi ngày đoàn xe bù lỗ mấy triệu tiền dầu. Giá vé 150.000 đồng/chuyến được giữ nguyên từ thời điểm giá dầu chỉ 16.000 đồng/lít. Đến giờ chúng tôi vẫn không dám tăng giá vé vì người dân đã quá khó khăn rồi”, ông nói.
Theo ông Hiệp, bán đất duy trì hoạt động của DN bởi những chuyến xe đò đã gắn bó với bà con địa phương hàng chục năm qua. Kinh doanh vận tải có lời, mua được đất thì giờ ông phải bán đất để giữ nghề. Hiện, giá xăng dầu hạ nhiệt đã giảm bớt phần nào gánh nặng cho DN, nhưng sẽ tốt hơn nếu chi phí nhiên liệu về ngưỡng khoảng 20.000 đồng/lít như trước.
Dẫu vậy, nhiều chủ công ty vận tải hành khách không còn đủ sức chịu đựng như ông Hiệp. Nhà xe Phương Sa (tuyến TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu) là một ví dụ. Nhà xe này đã bán 4 chiếc trong đoàn xe, hiện chỉ có 9/21 xe hoạt động. Số còn lại nằm bãi do vắng khách, chạy sẽ lỗ.
Tương tự, nhà xe Tư Viễn (tuyến TP.HCM - Hà Nội) gần như chấp nhận tình trạng phá sản. Thời điểm chi phí nhiên liệu tăng phi mã, hai xe khách chạy đường dài 45 chỗ đã được công ty thanh lý giá rẻ, xe còn lại nằm một chỗ tại TP.Dĩ An (Bình Dương) vì không có khách. Đại diện nhà xe khẳng định, chạy lỗ thì bán xe nghỉ cho khỏe. Các doanh nghiệp vận tải hành khách đang chạy theo kiểu cầu may. 10 xe thì 3 xe "lộc lá" có khách, 7 xe còn lại phá sản.
Theo tính toán, thời điểm tháng 5/2022, một chuyến xe khách 45 chỗ di chuyển TP.HCM - Hà Nội - TP.HCM tốn 31 triệu tiền dầu; 1 triệu tiền nhớt; xe đi qua hơn 20 trạm thu phí BOT mất khoảng 5 triệu; tiền lệnh hai đầu bến xe là 2 triệu; lương tài xế, phụ xe 12 triệu; chưa kể tài xế, phụ xe ra đến Hà Nội phải bỏ tiền thuê nhà nghỉ bên ngoài chứ không được ở trong bến.
Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tại TP.HCM đã tăng 2,6%. Trong 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 15,94% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.
Mong giá xăng dầu giảm nữa
Thời gian qua, khi cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp, tín hiệu tích cực lập tức tác động tới khối DN vận tải hành khách.
Ông Phạm Thanh Duyên, chủ nhà xe Duyên Hà (tuyến TP.HCM - Đắk Nông), ước tính, mỗi chuyến xe hiện tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu tiền dầu. 4 đầu xe hiện có, ước tính đơn vị này tiết kiệm được khoảng 6 triệu chi phí nhiên liệu đầu vào. Với đà giảm của nhiên liệu, các nhà xe sẽ tự điều chỉnh giảm giá vé, hỗ trợ người dân trong nhu cầu đi lại.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước dịch, giá dầu dưới ngưỡng 20.000 đồng/lít thì mức giá hiện tại vẫn còn cao. Ông Duyên mong muốn nhà chức trách sẽ tiếp tục điều hành giá về mức hợp lý hơn.
Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Cô Hai (tuyến TP.HCM - Gia Lai), ông Võ Văn Tám đồng quan điểm, nếu giá xăng dầu xuống mức khoảng 20.000 đồng/lít thì mới dễ thở. Hiện, mỗi xe công ty chạy đã tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/chuyến khi chi phí nhiên liệu giảm, 10 xe tương đương tiết kiệm được 20 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng khách vẫn chỉ đạt 50% công suất so với trước dịch, lại không đều, lúc đông, lúc ế. Do đó, nhiều chuyến xe vẫn chạy lỗ. Các nhà xe đang buộc vào thế phải chạy duy trì tuyến, nếu không sẽ mất khách.
Số liệu từ Bến xe miền Tây cho thấy, sau các đợt biến động giá xăng, dầu từ đầu năm 2022, có 85/125 đơn vị kê khai tăng giá vé. Hiện có 4/85 DN nêu trên kê khai giảm giá vé, mức giảm từ 6-12% sau các đợt điều chỉnh giảm giá nhiên liệu vừa qua.
Còn Bến xe miền Đông vẫn chưa có con số cụ thể các DN vận tải đề xuất điều chỉnh giảm tiền vé. Bởi, khi giá xăng dầu tăng liên tiếp, nhiều nhà xe đề xuất tăng giá nhưng chưa kịp tăng thì chi phí nhiên liệu đã xuống. Bình quân trong tháng 7/2022, lượng xe ra vào bến đạt 802 xe/ngày với 12.856 lượt khách/ngày. Con số này chưa bằng giai đoạn trước dịch Covid-19, bình quân 1.000 xe/ngày và 20.000 lượt hành khách/ngày.