Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, cho hay, Việt Nam vẫn tự hào có hệ thống giáo dục phổ thông tốt, thành tích xóa mù chữ rất cao so với những nước có mức thu nhập tương đương.
Tuy vậy, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc quan trọng nhất của các trường đại học và cả hệ thống giáo dục là công tác đảm bảo chất lượng.
Theo GS Trình, công tác đảm bảo chất lượng phải xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của các cơ sở giáo dục. Hơn nữa, việc này cần phải xuất phát từ hoạt động bên trong, thể hiện trong mọi hoạt động từ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học…
“Đảm bảo chất lượng không những là sự sống còn của mỗi cơ sở giáo dục đại học còn là sự sống còn của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Đảm bảo chất lượng cuối cùng phải là đảm bảo chất lượng đầu ra về kiến thức, kỹ năng, kỷ luật, đạo đức của người học tốt nghiệp”.
Ông Trình cho rằng việc đảm bảo chất lượng phải giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, nhưng cũng cần trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để sống tốt và làm việc tốt cho đến tuổi về hưu.
“Hiện nay, có không ít người phải nghỉ hưu từ tuổi 35 vì đến thời điểm đó, kiến thức của họ đã già cỗi. Họ không thể cạnh tranh với những người trẻ ở tuổi 20. Nghỉ hưu ở độ tuổi 35, họ phải về làm những công việc gia đình. Đây là một hệ lụy rất lớn và trách nhiệm thuộc về các cơ sở giáo dục đại học”, ông Trình nói.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ, cho rằng nguồn nhân lực trình độ cao là cốt lõi của sự phát triển và thịnh vượng quốc gia. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng thời phải đầu tư mạnh mẽ cho các trường đại học trọng điểm.
“Chúng ta cần phải có sự đổi mới từ đầu vào (chương trình đào tạo) và đầu ra (kiểm tra đánh giá), đồng thời hướng tới xây dựng đại học số để đáp ứng các tiêu chí như khả năng tự động thích ứng, khả năng tự học, khả năng dự báo, khả năng tự vận hành”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đánh giá, hiện nay, các trường rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể, có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học.
Tuy nhiên, một số yếu tố cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần.
Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.
Theo ông, khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ các trường y quốc tế được Liên đoàn Giáo dục Y học Thế giới (WFME) công nhận có thể tiếp tục theo học chương trình nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,...