* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Là một fan của phim hình sự Việt Nam, tôi đã theo dõi phim Bão ngầm ngay từ đầu. Phim được chiếu trong khung giờ vàng của VTV nên tôi đã rất kỳ vọng. Nhưng càng xem, tôi càng thấy tình tiết dài dòng, nội dung gây ức chế, chưa kể có khá nhiều tình tiết vô lý.
Đầu tiên phải nói về việc lồng tiếng trong bộ phim này khiến phim mất hay đi nhiều phần. Diễn viên chính đóng vai Hạ Lam được lồng tiếng nghe rất chán, không tự nhiên. Chưa kể, nhạc phim có nhiều đoạn quá to, khó nghe lời thoại của nhân vật. Điều này gây cho tôi sự không thoải mái khi xem phim.
Tiếp đó, trong phim có một số tình tiết khá vô lý. Trong tập 44 hé lộ cảnh trợ lý Tú (Ong chúa) bắn chết bố của Hải Triều. Khi đó, Hải Triều mới chỉ là một cậu bé. Hiện tại, Hải Triều đã trở thành một trinh sát dày dặn kinh nghiệm nhưng trợ lý Tú vẫn có ngoại hình như vậy.
Một tình tiết khác ở những tập đầu của phim cũng khiến người xem khá ức chế. Đó là cảnh Hạ Lam xông vào đánh người đàn ông bị ngáo đá thì có một em bé xuất hiện khiến Hạ Lam xao nhãng, bị tên ngáo đá phản đòn. Dù thấy vậy, rất nhiều người đứng xung quanh xem rất bình tĩnh mà không làm gì. Mọi người cứ bảo thấy cảnh đánh nhau tò mò thi nhau xem là chuyện vốn thấy. Thế nhưng, đứng trước một kẻ ngáo đá cầm dao khua loạn xạ, tôi nghĩ không ai dám tụ tập mà đứng xem một cách bình tĩnh như vậy cả.
Tôi đã thực sự hy vọng vào tình tiết xuất hiện em trai sinh đôi của Toàn 'khỉ đốm' là Phí Hải Toán. Nhưng sự xuất hiện của nhân vật này không có ý nghĩa nhiều trong bộ phim. Toàn chết vì khai nhầm với công an biến chất nhưng Toán chỉ xuất hiện vài tập rồi nhận về cái kết tương tự. Vậy Toán xuất hiện để làm gì? Gặp Hải Triều rồi có kết cục khác gì so với trước? Nếu Phí Hải Toán góp phần sâu hơn vào việc phá án thì tôi nghĩ có lẽ nội dung sẽ hấp dẫn hơn nhiều.
Xem những tập phim gần đây, tôi cảm thấy rất ức chế về nội dung.
Nói về Hạ Lam do Cao Thái Hà thủ vai. Hạ Lam là một sinh viên nữ ngành cảnh sát nhưng lại đi yêu thầm một chàng trai không rõ gốc gác như Hải Triều ngay từ đầu. Thực tế cũng có điều đó nhưng tôi nghĩ, với một sinh viên xuất sắc chuyên ngành cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy thì điều đó hơi khó hiểu. Thêm vào đó, Hải Triều và Hạ Lam yêu nhau nhưng xem phim, tôi chẳng thấy có gì là tình cảm. Giữa hai diễn viên cũng chẳng thấy có 'phản ứng hóa học' gì gọi là đang yêu nhau, xem rất khô cứng. Dù Hải Triều là con người của công việc nhưng khi yêu, tôi nghĩ người đàn ông nào cũng sẽ khác đi từ ánh mắt.
Ở những tập gần đây, Hạ Lam khiến người xem rất ức chế bởi cách hành xử của mình. Một trinh sát điều tra lại có thể ngả ngay vào lòng đối tượng điều tra chỉ vì bị người yêu phản bội. Trong khi trước đó, cô này còn liên tục trách móc bạn trai khi anh đã coi thường năng lực của mình nếu nghĩ cô dễ bị sa ngã. Dù đó chỉ là cái cớ tôi nghĩ cô Hạ Lam này cũng không thể lên giường với đối tượng điều tra một cách nhanh chóng như vậy được. Thà rằng cô ta ngả vào lòng một người đàn ông khác không liên quan tôi còn thấy có thể hiểu được.
Nhân vật Hải Triều (Hà Việt Dũng) ngay từ đầu được tung hô là giỏi hiếm có về cả năng lực lẫn phẩm chất, đối mặt với mọi loại tội phạm nguy hiểm cũng không bị sa ngã. Nhưng chỉ vì ghen tuông lãng xẹt khi bạn gái làm nhiệm vụ mà uống rượu say rồi để mình rơi vào tình huống lên giường với đồng nghiệp nữ. Xem những tập này, tôi có cảm giác như các nhân vật đang “ăn miếng trả miếng” vậy.
Rồi sau khi gây “sự cố” với đồng nghiệp nữ, Hải Triều cũng không thể hiện rõ ràng quan điểm mà để mặc Hải Yến ôm mình rồi xưng hô “vợ-chồng” như thể hai người đang yêu nhau dù anh vẫn còn tình cảm với Hạ Lam. Một người đàn ông có bản lĩnh sẽ không bao giờ hành xử một cách không rõ ràng như vậy. Xem những đoạn này tôi thấy rất bực bội, khó hiểu.
Tôi cũng không hiểu cô Hải Yến (Thanh Bi thủ vai) xuất hiện có ý nghĩa gì trong bộ phim. Hải Yến ăn mặc hở hang, không phù hợp với hình tượng một nữ công an. Không chỉ về trang phục chưa phù hợp, tính cách khuôn mặt của diễn viên cũng chẳng phù hợp tí nào.
Tôi nghĩ, một cô gái mưu mô làm đủ mọi cách để cướp người yêu của đồng nghiệp cũng không cần phải xây dựng theo hình tượng hở hang, ve vãn đàn ông như vậy bởi cô ta rõ ràng là một thiếu úy công an.
Nói chung càng xem phim, tôi càng thấy dài dòng, không tập trung vào đánh án mà liên quan đến chuyện tình cảm rất lãng xẹt, không phù hợp. Phim dù có là thực tế trần trụi nhưng tôi nghĩ vẫn có nhiều cách phù hợp hơn, hay hơn để bóc cái sự trần trụi ấy.
Độc giả Yến Lê
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.