Cảnh báo này dựa trên phản ánh của Bộ Công an khi thời gian qua tại 1 số tỉnh, thành xuất hiện các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên viên mở tài khoản thanh toán; sau đó chuyển lại cho các đối tượng này để sử dụng.
Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân (CCCD) mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Chúng cung cấp cho học sinh, sinh viên điện thoại có sẵn sim số để đăng ký mở tài khoản thanh toán, dịch vụ Internet Banking, SMS Banking…
Sau đó, các đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp thông tin tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)... Tiếp đó, chúng thu nhập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh, sinh viên (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu.
Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như: rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, quy định pháp luật hiện hành cấm các hành vi như: cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán ví điện tử nặc danh, mạo danh, mở hộ thẻ ngân hàng.
Nếu vi phạm các quy định, sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, nếu cho thuê, mượn, mua bán từ 1–10 tài khoản sẽ bị phạt từ 40–50 triệu đồng. Còn nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng.
Để ngăn chặn, góp phần giải quyết tình trạng mua - bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên dùng cho mục đích phạm tội, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở TT-TT, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người chưa thành niên về các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm, quy định pháp luật liên quan, nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật và có biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để bị lợi dụng,
UBND các tỉnh, thành cần chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn triển khai quán triệt, thông tin kịp thời tới toàn bộ học sinh, sinh viên và phụ huynh về các phương thức thủ đoạn của đối tượng tội phạm; các hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật, không để bị lợi dụng cho mục đích bất hợp pháp.