TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) hôm 1/8 cho biết trước đây mỗi năm Việt Nam ghi nhận trên 1 triệu ca cúm mùa, sau giảm xuống 800.000 ca/năm.
Trong 5 năm nay, Việt Nam ghi nhận từ 300.000 - 600.000 ca/năm. Bệnh có xu hướng tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 142.000 ca mắc, không có ca tử vong.
Tại cuộc tập huấn một số vấn đề về cúm A do Bộ Y tế tổ chức ngày 1/8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm độc lực cao.
Tuy nhiên, trong thời điểm từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm mùa.
Bộ Y tế thống kê, miền Bắc là khu vực là có số ca mắc cúm trên 100.000 dân cao nhất. Cụ thể, tỷ lệ này là gần 272/100.000 dân. Con số này ở miền Trung là gần 87, miền Nam là 41.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh ngày 1/8, Thanh Hoá ghi nhận tới gần 37.000 ca mắc cúm; Thái Bình, Hưng Yên mỗi nơi hơn 13.000 ca; Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi nơi hơn 8.000 ca.
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho hay gần đây, cơ sở này có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em.
Trong tổng số hơn 3.500 người đến khám nghi nhiễm cúm tại Bệnh viện, số có test nhanh dương tính với cúm A là 1.134 ca (gần 33%) và 34 trường hợp cúm B. Số ca phải nhập viện điều trị là 178. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường chưa ghi nhận chủng độc lực cao.
Về con số khoảng 30% người nghi nhiễm cúm có kết quả test nhanh dương tính cúm A này, một bác sĩ cho hay điều này một phần liên quan đến độ nhạy của test nhanh cúm chỉ tối đa khoảng 60-70%.
BSCK Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cũng cảnh báo tình trạng không ít người dân có triệu chứng nghi nhiễm cúm như sốt cao, đau họng, đau cơ khớp, đau đầu, mệt mỏi nhiều... tự mua test nhanh về xét nghiệm, thấy âm tính lại chủ quan.
"Tâm lý chủ quan này không chỉ khiến chính người đó lơ là với việc theo dõi, điều trị mà còn không giữ gìn, phòng bệnh, để lây nhiễm ra xung quanh, đặc biệt trong môi trường có người già, trẻ nhỏ, người mang thai hay người mắc các bệnh lý mạn tính, suy giảm miễn dịch", vị bác sĩ cho hay.
Ghi nhận những ca đồng nhiễm cúm, Covid-19
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm là loại được chỉ định trong trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định), có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Việc tự ý sử dụng khi không có chỉ định của thầy thuốc sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, không chỉ có tổn thất kinh tế mà còn nhiều tác dụng không mong muốn.
Bác sĩ Cấp cho hay Oseltamivir có tác dụng trên cả nhóm cúm A và B. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, tỷ lệ kháng Oseltamivir ở virus nhóm cúm A/H1N1 ở mức cao - 27%; với nhóm cúm A/H3N2 là 3%.
Thực tế, các thầy thuốc đã ghi nhận những ca đồng nhiễm cúm và Covid-19 tuy nhiên chưa có báo cáo diễn biến đặc biệt ở các bệnh nhân này. Thực tế, cúm là virus ARN cảm ứng âm, trong khi SARS-CoV-2 lại là virus ARN sợi dương.
“Chúng tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu hay giả thiết nào về sự lai di truyền giữa hai virus ở các bệnh nhân đồng nhiễm cúm và Covid-19”, bác sĩ Cấp nói.
Bộ Y tế trong công văn hôm 29/7 yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với các đơn vị, cơ sở y tế để lấy mẫu, thu thập mẫu bệnh phẩm bệnh nhân cúm, thực hiện giải trình tự gene, trả lời kết quả sớm các trường hợp có biểu hiện bất thường, các mẫu đại diện để theo dõi các chủng cúm gây bệnh lưu hành, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các tác nhân viêm đường hô hấp khác tại các ổ dịch.
Thanh Hiền