Các cơ sở y tế lớn liên tục tiếp nhận, xử trí cho nhiều trường hợp vào viện vì "ma men", không ít ca tử vong vì ngộ độc rượu methanol.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết mới đây khoa Chống độc vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), trong đó 1 ca tử vong.
Trường hợp tử vong là bệnh nhân Đ.T.T (41 tuổi, trú TP.Vinh, Nghệ An), được chuyển từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An. Dù được cấp cứu, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, do tình trạng nặng nên bệnh nhân đã tử vong. Người còn lại cùng uống rượu với anh T., nhập viện với triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm methanol trong máu là 63,85 mg/100 ml. Bệnh nhân được lọc máu, sau đó xin ra viện.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị ngộ độc methanol, trong đó có đến 30-40 ca nặng phải lọc máu.
Tại Hà Nội, hồi tháng 7, năm người bị ngộ độc rượu methanol cũng vào viện sau khi uống cùng 1 loại rượu ngâm táo mèo có methanol. Trong 5 bệnh nhân nêu trên có 4 người uống rượu tại một đám cưới trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội. Họ uống rượu từ trưa 20/7 và nhập viện ngày 23/7 trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng và có nồng độ methanol trong máu rất cao. Một người cùng ngồi mâm nhậu với 4 người này đã tử vong trước khi nhập viện cũng có các dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc methanol.
Ngay khi nhận thông tin sự việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lập tức có công văn yêu cầu dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc.
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, 2 mẫu rượu ngâm táo mèo mà các bệnh nhân uống đã được lấy, gửi kiểm nghiệm, kết quả đều phát hiện hàm lượng methanol rất cao. Ngoài ra, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc methanol, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, tử vong. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, động vật...
Mới đây, một người đàn ông 54 tuổi (Quảng Ninh) được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, tê bì toàn thân. Được biết, trước thời điểm vào viện khoảng 3 giờ người bệnh uống khoảng 50ml rượu ngâm củ ấu tầu của gia đình dùng để xoa bóp.
Rượu methanol rất giống rượu ethanol thông thường, thậm chí ngọt, dễ uống hơn nên rất khó để phân biệt. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau, người bệnh có thể mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và sâu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, đa số bị tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, nguy kịch.
Tại Trung tâm Chống độc, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.
Các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống. Biểu hiện ngộ độc thường có hai giai đoạn, gồm: Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua.
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, dịp cuối năm (cận Tết), khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có rượu. Cục đề nghị các địa phương tăng cường thông tin, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.
“Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.