Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, ít nhất 6 bệnh nhân tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đã nhập viện cấp cứu sau bữa ăn. Với các triệu chứng đặc thù, diễn tiến bệnh, kết quả xét nghiệm, các chuyên gia nhận định nguyên nhân gây ngộ độc là botulinum.
Đến nay, 4 trường hợp vẫn phải thở máy, bao gồm cả 2 trẻ nhỏ. Nghiêm trọng hơn, không còn bệnh viện nào tại Việt Nam có thuốc giải độc tố botulinum.
Qua khai thác, các bệnh nhân đã ăn món bánh mì kẹp chả lụa, một trường hợp ăn món mắm để lâu ngày. Chả lụa có dấu hiệu hư hỏng, được bao bằng bao ni lông kín, khi mở ra đã chảy nước và mùi vị không bình thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhận định, tình trạng ngộ độc botulinum thực tế không quá hiếm gặp. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia rất nghiêm ngặt trong an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng năm vẫn có khoảng 150-300 ca ngộ độc botulinum.
Tại Việt Nam, khả năng chẩn đoán ngộ độc botulinum trước đây còn hạn chế. Đến năm 2020, các bệnh viện phát hiện chùm ca bệnh botulinum đầu tiên liên quan đến pate chay. Đây là hồi chuông báo động để các cơ sở y tế trên toàn quốc biết đến loại bệnh này và do đó, chẩn đoán chính xác hơn.
Theo bác sĩ Hùng, độc tố botulinum do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra. Trong môi trường không khí bình thường, vi khuẩn này không thể phát triển nhưng sẽ tái hoạt động khi ở môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp). Việc này sẽ phá vỏ bao bào tử để sản sinh ra botulinum.
Theo bác sĩ Hùng, tất cả thức ăn được chế biến, đóng gói, đóng hộp hay đưa vào bao kín, vi khuẩn Clostridium botulinum đều có khả năng phát triển. Do đó, để phòng nguy cơ phát sinh độc tố, cần chú ý các giai đoạn khi chế biến thực phẩm.
Giai đoạn đầu tiên: Khi mua thực phẩm tươi sống, hoặc khi làm thức ăn đóng chai lọ, người chế biến phải được thực hiện trong môi trường sạch, tránh bụi bẩn, đất cát bám vào, tránh sự nhiễm khuẩn.
Giai đoạn thứ hai: Ở khâu đóng gói, người dân không nên đóng kín thức ăn nếu không có kỹ thuật khử khuẩn an toàn như các nhà sản xuất. Tại nhà, người dân có thể bảo quản với độ chua hay độ mặn của thức ăn trên 5%, dùng 5g muối/100g thức ăn. Ở môi trường quá mặn, vi khuẩn không phát triển được.
Giai đoạn thứ ba: Khi sử dụng thức ăn, người dân phải xem kỹ hạn dùng trên hộp, bao bì. Đó là khoảng thời gian đảm bảo không có vi khuẩn phát triển. Tuyệt đối không ăn thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc hộp bên ngoài đã biến dạng, vì không chỉ botulinum mà các loại vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm độc, sinh ra khí làm móp méo hộp đồ ăn.
Một số thức ăn có thể sử dụng bằng cách nấu sôi 100 độ trong 10-15 phút để diệt vi khuẩn, giảm nguy cơ gây ngộ độc.