Buổi trình diễn và chấm điểm đồ án tốt nghiệp của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM diễn ra vào 8h ngày 9/3. Bốn bộ trang phục trong bộ sưu tập “La Moyenne Région” - đồ án tốt nghiệp của Phan Huy - được show up và trình diễn cận cảnh tại đây. 

Phan Huy - tên đầy đủ là Phan Nguyễn Nguyên Huy (năm sinh 1999) được sinh ra ở tỉnh Quảng Trị. Đến cấp 3, Huy chuyển vào Huế học tại Trường Chuyên Quốc Học Huế.

Điều khiến Huy chấp nhận đi học xa gia đình vì ở quê em không có nơi dạy vẽ để thi vào các trường về hội họa, kiến trúc, nên em quyết định sẽ tự lập sớm để theo đuổi ước mơ.

"Những năm đầu ở độ tuổi cấp 3, em không và chưa bao giờ có dự định thi vào ngành thời trang, mặc dù em đã thích thời trang từ nhỏ. Khi học lớp 3, em đã đăng những bức diễn họa thời trang đầu tiên lên các cộng đồng design, nhưng vì thời trang là một nghề khá lạ lẫm đối với em và cả những người xung quanh ở quê lúc đó, thêm nữa mọi người đều nói đó là một ngành xả xỉ và tốn kém, nên em đã từ bỏ ý định.

Đến năm lớp 12, em mới thực sự nghiêm túc suy nghĩ liệu mình thích vẽ thích nghệ thuật nhưng chính xác điều mình muốn là gì? Vô tình xem những show diễn Haute Couture ở nước ngoài, em bị choáng ngợp, cảm thấy có những linh cảm thôi thúc mình cần mạo hiểm. Từ đó, chính thức em chọn ngành thời trang" - Huy chia sẻ.

Một sản phẩm được hoàn thành với 300 giờ đính kết, 110 giờ đắp vải, 40 giờ may: Từ 14 loại vải được cắt đắp vô cùng tỉ mỉ, canh chỉnh bố cục chuẩn xác và độ phức tạp cao ở phối cảnh, màu sắc; bức tranh cánh đồng vàng trong buổi hoàng hôn rực rỡ bao trùm cả non sông được vẽ nên một cách sống động. 

Đồ án được bắt đầu vào giữa giữa cuối tháng 10/2022, và kết thúc vào đầu tháng 3/2023, ước chừng 4 tháng để thực hiện. Tuy nhiên ý tưởng đã được em ấp ủ từ trước đó và khi đến đồ án em bứt tốc để có thể triển khai nhanh bộ sưu tập, vì những mẫu thiết kế của em cần thời gian để hoàn thành chỉn chu.

Ý tưởng đồ án của Huy đến từ "cánh đồng của ngoại"

"Năm 10 tuổi, em choáng ngợp trước cánh đồng của ngoại chìm trong buổi chiều vàng ngã bóng chạng vạng. Hình ảnh đó ám ảnh, tạo nên góc nhìn duy mỹ em muốn hướng đến - một vẻ đẹp của sự tĩnh lặng nhưng đầy choáng ngợp".

Thiết kế này cần 290 giờ đính kết, 50 giờ may và xử lí chất liệu. Sản phẩm là sự miêu tả bức tranh sông nước lúc quang mây với thủ pháp đính kết 3D tạo bề mặt nổi khối, sần sùi như những vách núi đá, đặc tả chi tiết những dòng sông cuồn cuộn bằng những hạt trúc, gãy xỏ dây treo mắc võng. Accessories mạng che mặt được cách điệu từ hình ảnh mũi đò...

Huy tái hiện lại vẻ đẹp kí ức ấy cho BST, “La Moyenne Région” - bức sơn mài của hai hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung và Hoàng Tích Chù - diễn tả một Việt Nam em muốn truyền tải: góc nhìn về những cánh đồng không còn đơn thuần vẻ đơn sơ, mộc mạc; mà là một Việt Nam vô cùng lộng lẫy, xa hoa, hào nhoáng và choáng ngợp...

"Bức tranh với thủ pháp sơn mài tiêu biểu của hội họa Việt Nam, khắc họa cánh đồng chìm trong buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Em khai thác bức tranh cho bộ sưu tập bởi góc nhìn từ đại cạnh đến những điều chi tiết nhất.

Từ bầu trời quang mây đến buổi hoàng hôn chạng vạng, bộ sưu tập sử dụng những kĩ thuật tinh xảo và kì công như đính kết 3D để tạo nên độ gồ ghề của những khối núi đá; bề mặt chất liệu vải trải qua nạm, dập, ép như mảnh vàng sần sùi của hiệu ứng sơn mài.

Từng chiếc lông vũ được dát vàng, các cành lúa non, hoa màu, dây leo được làm tay tỉ mỉ từng cánh hay bức tranh giang sơn được đắp từ hơn 14 loại vải và 20 kiểu đường đính...

Tất cả sự kì công đó để khắc họa nên một vẻ đẹp Việt Nam thanh bình, thịnh vượng" - Huy giãi bày về bộ sưu tập của mình.

Huy muốn truyền tải góc nhìn về những cánh đồng không còn đơn thuần vẻ đơn sơ, mộc mạc mà là một Việt Nam vô cùng lộng lẫy, xa hoa, hào nhoáng và choáng ngợp

BST của Huy thể hiện kĩ thuật tinh xảo và kì công. Huy cho biết: "Từ đầu, em đã luôn yêu thích những gì chi tiết, tinh tế và tinh xảo nhất".

"Điều đó có lẽ thể hiện ở ngay những bài vẽ chập chững đầu tiên khi các thầy cô luôn nhắc nhở em bị ám ảnh về sự chi tiết. Thế nhưng vô tình điều đó lại phù hợp với góc nhìn duy mĩ của em khi đưa vào thời trang, em đi sâu vào các kĩ thuật thủ công, mong muốn truyền tải những cảm xúc qua từng đường kim mũi chỉ, và còn gì đặc biệt hơn khi chúng ta có thể tôn vinh những nghệ nhân, những kĩ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam ta".

Theo Huy, để có thể đạt được cách ứng dụng thành thục những kĩ thuật trong thời trang và trong những chi tiết xử lí đính kết, form dáng, thì đó là lời biết ơn sâu sắc đến những con người, những môi trường làm việc, học tập mà em đã đi qua.

"Mỗi người đồng nghiệp, mỗi người thầy cô, người sếp, người nghệ nhân đã giúp thế giới quan về thời trang và gần gũi hơn là những kinh nghiệm thực tiễn em được tiếp cận và học hỏi rất nhiều".

Đây là sản phẩm được hoàn thành sau 430 giờ đính kết, 35 giờ may: Buổi chạng vạng được khắc họa bằng kĩ thuật đính xếp gạch thủ công chuyển màu cầu kì. Từng nhánh lúa non, hoa màu ven con đường đê ruộng là sự cấu thành từ từng sợi kẽm cước xuyên qua nhiều loại đá, hạt phối màu và kích thước tỉ mỉ; những cánh lá được ép từ 2 mảnh vải ánh kim cắt tay thủ công; nhụy hoa, búp hoa lại đính chùm, bó tròn những hạt pha lê, hạt tấm. Dây leo, sợi tầm gửi vương lá khô là thủ pháp xỏ dây từ nhiều loại trúc, hạt nhưng với finishing tỉ mỉ không thấy mối chỉ trong từng đầu sợi. Mạng che mặt sử dụng phối hợp 4 loại lông vũ được dát sơn lá vàng và đính kết trên nền lưới mỏng manh...

Sau tốt nghiệp, Phan Huy có dự định sẽ phát triển thương hiệu cá nhân, để những thiết kế của mình có thể đến gần hơn với những người yêu thời trang, được sử dụng và biết đến rộng rãi, tạo ra những giá trị tích cực và những điều đẹp đẽ cho cuộc sống xung quanh.

Phan Huy


"Em cảm thấy rằng ngành thời trang Việt Nam ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt các bạn trẻ đang làm rất tốt. Thế nên, em chỉ muốn nhắn nhủ những bạn trẻ đang muốn đi theo ngành học này chúng ta hãy tiếp tục phát huy, để nền thời trang của nước nhà phát triển, và luôn làm mọi thứ bằng tình yêu, sự tận tâm và trách nhiệm của bản thân mình".