Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần, thưa Thứ trưởng, Dự án Luật Cảnh sát cơ động là Luật đầu tiên về lĩnh vực quốc phòng-an ninh đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 trong năm nay.
Vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với lực lượng Cảnh sát cơ động trong tình hình mới, thưa Thứ trưởng?
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: Như chúng ta đã biết, từ ngày 1 tháng 7 năm 2014, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã có hiệu lực. Từ đó đến nay đã tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để lực lượng Cảnh sát cơ động, một trong những lực lượng vũ trang thường trực chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2014 thì cũng đã bộc lộ những cái bất cập, khiếm khuyết. Do đó, từ đòi hỏi thực tế cần phải xây dựng Luật Cảnh sát cơ động. Đến nay, dự luật đã được Bộ Công an, Cơ quan soạn thảo thực hiện đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã trình xin ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đang còn chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ trình thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Luật Cảnh sát cơ động nếu được Quốc hội thông qua và ban hành sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lực lượng Cảnh sát cơ động, một thành tố tích cực và lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung của lực lượng Công an nhân dân có hành lang pháp lý tốt, cao nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện đúng chức năng, là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ để giải quyết những vấn đề rất khó khăn và trong thực tiễn đặt ra mà chỉ có lực lượng này giải quyết được. Việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là một phần trong việc thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại vào năm 2030, trong đó có một số lực lượng ưu tiên đầu tư để tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động. Do đó, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Trong tình hình mới hiện nay như chúng ta đã dự đoán, dự báo, những cái mối đe dọa bên trong, bên ngoài, những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống tiếp tục gây ra những áp lực trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và chắc chắn sẽ xuất hiện những yêu cầu mà lực lượng Cảnh sát cơ động phải đặc biệt tinh nhuệ giải quyết trong thời gian rất cấp bách và đòi hỏi rất cao về kỹ chiến thuật và các kỹ năng chiến đấu để giải quyết nhanh gọn, đạt hiệu quả cao nhất các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Cho nên Luật Cảnh sát cơ động đã đưa ra những cái chế định tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ các loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất, trang bị các loại biện pháp và phương pháp tiến hành công tác một cách tinh nhuệ và chuyên nghiệp nhất để giải quyết được những vụ việc một cách có hiệu quả nhất.
Thời gian qua, Ban soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để tiến hành khảo sát tại địa phương, đơn vị. Vậy việc khảo sát này sẽ mang tác dụng như thế nào trong quá trình xây dựng Luật Cảnh sát cơ động để khi Luật được thông qua sẽ thực sự đi vào cuộc sống?
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thực hiện các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an-Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cảnh sát cơ động đã phối hợp rất chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tiến hành các bước, các quy trình theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc khảo sát thực tế ở địa phương, nhất là việc khảo sát thực tế mối quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với các lực lượng vũ trang đứng chân trên các địa bàn trọng yếu, nơi thường xuyên có thể xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ liên quan đến an ninh, trật tự. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để ban hành Luật Cảnh sát cơ động, tạo hành lang pháp lý cho lực lượng Cảnh sát cơ động hoạt động tác chiến, thực hiện thắng lợi xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình là có cơ sở, cả về thực tiễn và pháp lý đặt ra. Qua làm việc và khảo sát thực tế rất nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực, chúng tôi đã thu nhận một lượng thông tin rất bổ ích, rất toàn diện. Những lượng thông tin này sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo chúng tôi điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo hồ sơ luật để trình Quốc hội, trong đó có những cái vấn đề mà lâu nay trong thực tiễn cũng đã có vướng mắc thì nay Bộ luật này sẽ có giải quyết phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí hợp lý cũng như phương thức, biện pháp tiến hành các hoạt động bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới. Để phục vụ cho việc trình dự Luật Cảnh sát cơ động vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục thực hiện đúng các quy định, quy trình, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng vũ trang để hoàn chỉnh hồ sơ luật này và rất mong muốn, rất hy vọng sẽ tạo được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội ủng hộ để thông qua dự luật rất quan trọng này.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ đã cho ý kiến về các dự án Luật do Bộ Công an đang xây dựng để trình Quốc hội. Xin Thứ trưởng cho biết, tiến độ soạn thảo các dự án Luật như thế nào, vì sao cần thiết phải sớm xây dựng các dự án Luật này?
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 9 dự án luật và một số Nghị quyết chuyên đề thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Trong đó, năm 2022, Bộ Công an tập trung xây dựng 2 dự luật quan trọng, đó là Luật trật tự, an toàn giao thông và dự Luật Lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với Luật trật tự an toàn giao thông, như chúng ta đã biết năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường bộ. Luật Giao thông đường bộ 2008 điều chỉnh một lúc cả 3 lĩnh vực quan trọng, đó là hạ tầng kỹ thuật đường bộ, vận tải đường bộ và trật tự an toàn đường bộ. Do điều chỉnh cả 3 lĩnh vực rất lớn và có nhiều nội dung khác nhau như vậy nên trong Luật Giao thông đường bộ 2008 có một số nội dung, đặc biệt trong đó những nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa điều chỉnh trong luật. Vì vậy cũng rất khó khăn trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thực hiện quy trình xây dựng pháp luật qua nhiều phiên họp và thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2022, Bộ Công an hiện nay đang tập trung để trình hồ sơ dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông trên cơ sở chủ trương tách từ Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 Luật: Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì. Về dự án Luật Lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, trước hết nói về lịch sử, lực lượng tham gia đảm bảo ANTT cơ sở đã được hình thành và hoạt động từ khi thành lập được cho đến nay, từ khi có lực lượng Công an cho đến nay. Hiện nay lực lượng này đang được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Công an xã đang thực hiện các quy định chuyển tiếp trong Luật Công an nhân dân. Lực lượng Bảo vệ dân phố đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định 38/CP của Chính phủ và lực lượng dân phòng thì đang chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Do có nhiều văn bản điều chỉnh đối với lực lượng này nên trong hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Dự án Luật lực lượng tham gia đảm bảo ANTT cơ sở được ra đời sẽ là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất để điều chỉnh chung lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho lực lượng này trở thành một lực lượng chiến lược, góp phần cùng với hệ thống chính trị của cơ sở, đặc biệt là lực lượng Công an cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời cũng có cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách đối với lực lượng này khi tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở và các công tác, nhiệm vụ chính trị khác của địa phương hy sinh hoặc bị thương. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện chế độ, chính sách phụ cấp thường xuyên cho lực lượng này, để lực lượng này đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay tiến độ xây dựng 2 dự luật này thì tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ và đã thông qua các phiên họp của Thường trực Chính phủ và phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ. Sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành, 63 cấp ủy và chính quyền địa phương cấp tỉnh, các Ủy ban của Quốc hội, tổ chức các hội thảo khoa học cấp bộ, trong đó mời rất nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành Công an tham gia để làm luận cứ cơ sở chính trị, pháp lý để ban hành 2 dự luật quan trọng này. Chúng tôi đã đăng ký vào chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ sẽ sớm trình 2 dự luật này vào trong quý 1 năm 2022.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, thông qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Thứ trưởng có những điều gì muốn gửi gắm tới cán bộ chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để cho nhân dân vui xuân, đón Tết?
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an: Lực lượng Công an nhân dân hiện nay đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo cho nhân dân vui Tết, đón Xuân an toàn, vui tươi, lành mạnh; vừa đang tập trung nhiệm vụ thứ 2 đó là tham gia tuyến đầu chống dịch. Do đó, tất cả các lực lượng Công an nhân dân từ Bộ cho đến Công an cơ sở, đặc biệt là Công an xã hiện nay đang tập trung thường trực lực lượng để đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán và các sự kiện chính trị xã hội đầu Xuân Nhâm Dần. Qua Truyền hình Quốc hội, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cấp ủy Đảng các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chăm lo lực lượng Công an nhân dân các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chính trị của mình. Xin gửi đến các đồng chí Công an đang ở tuyến đầu chống dịch, đang ở tuyến đầu đảm bảo an ninh trật tự cho người dân vui Tết đón Xuân, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
- Trân trọng cám ơn Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc Thứ trưởng nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin chúc cho ngành Công an sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm nay!
Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam