XEM CLIP:

Từ 9h sáng 1/4, Tổ công tác của Thủy đoàn I (Cục CSGT, Bộ Công an) bắt đầu làm nhiệm vụ kiểm soát vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển tàu, thuyền, xà lan… trên sông Đuống (đoạn qua xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). 

Hai ca nô và 1 tàu của lực lượng Cảnh sát đường đường thủy tuần tra cơ động trên sông để kiểm tra các phương tiện qua lại.

Hai ca nô và tàu tuần tra của Thủy đoàn I được huy động làm nhiệm vụ kiểm tra
Tổ công tác ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra
Ông Trịnh Quốc Chiến, thuyền trưởng tàu mang số hiệu Quảng Ninh cũng là người điều khiển tàu

Đến 9h30, tàu mang biển số thuộc tỉnh Quảng Ninh do ông Trịnh Quốc Chiến (SN 1978, trú tại Quảng Ninh) làm thuyền trưởng được lực lượng CSGT ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra.

Sau khi kiểm tra các giấy tờ về phương tiện, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, tổ công tác tiến hành đo nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện. Qua kiểm tra, ông Chiến không vi phạm về nồng độ cồn.

Sau khi kiểm tra, ông Chiến không vi phạm nồng độ cồn

Ông Trịnh Quốc Chiến cho biết, mỗi chiếc tàu chở hàng trên sông, sinh hoạt như một gia đình trên bờ. Trong mỗi bữa cơm thì anh em thuyền viên có thói quen sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, khi được lực lượng CSGT đường thủy tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông thì thói quen này dần thay đổi.

“Trước kia, người đi tàu chúng tôi gần như bỏ bữa sáng, đến khoảng 9h30 - 10h là sẽ ăn trưa thay cho ăn sáng. Trong bữa cơm đôi khi có uống rượu, bia rồi tiếp tục điều khiển tàu. Đến giờ sau thời gian được lực lượng chức năng tuyên truyền, chúng tôi tự nhắc nhau không uống rượu, bia rồi điều khiển tàu để đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện thủy khác”, ông Chiến chia sẻ. 

Ngoài kiểm tra về nồng độ cồn, tổ công tác còn kiểm tra các điều kiện an toàn trên tàu
Ông Lê Văn Hải, thuyền trưởng tàu VP-19XX kiểm tra nồng độ cồn

Khoảng 30 phút sau, lực lượng chức năng tiếp tục ra tín hiệu dừng tàu VP-19XX do ông Lê Văn Hải (SN 1988, trú tại Vĩnh Phúc) làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra, ông Hải không vi phạm nồng độ cồn.

Vị thuyền trưởng ủng hộ việc Cảnh sát đường thủy kiểm soát chặt vi phạm về nồng độ cồn với phương tiện thủy.

“Việc sử dụng rượu, bia rồi lái những con tàu nặng hàng trăm tấn như thế này là rất nguy hiểm. Tôi đã chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm do thuyền viên sử dụng rượu, bia rồi lái tàu. Nhiều khi do uống say sưa mà bước hụt, trượt chân rơi xuống sông thiệt mạng. Tôi mong muốn việc kiểm tra nồng độ cồn trên sông được thực hiện nghiêm như trên đường bộ, đường sắt”, anh Hải nói. 

Bên cạnh việc kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT cũng kiểm tra các lỗi vi phạm khác như chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm…

Lực lượng CSGT đã kiểm tra hàng chục phương tiện thủy lưu thông trên sông Đuống

Trong ngày 1/4, tổ công tác của Thủy đoàn I đã dừng, kiểm tra với hàng chục phương tiện thủy trên sông Đuống và chưa phát hiện vi phạm về nồng độ cồn.

Theo đại diện Thủy đoàn I, để các thuyền trưởng, thuyền viên dần thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện thủy thì cán bộ, chiến sĩ của Thủy đoàn I đã tuyên truyền, vận động liên tục từ sau đầu năm đến nay. Ngoài ra, Thủy đoàn I cũng thường xuyên phát tờ rơi có nội dung về các mức xử phạt khi thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm để họ truyền tay nhau đọc và nắm được.

Trong khoảng thời gian từ nay đến 30/4, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ mở đợt cao điểm kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn với người điều khiển tàu, thuyền, xà lan…

Người điều khiển phương tiện thủy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử lý như sau:

Theo Nghị định số 139/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, quy định người lái, thuyền viên trong ca trực mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 50miligam/100 minilit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt 3-5 triệu đồng.

Nếu nồng độ cồn tăng lên 80miligam/100 mililit máu hoặc 0,4miligam/1 lít khí thở mức phạt tăng lên 5-10 triệu đồng.

Trường hợp vượt quá mức trên bị phạt 20-35 triệu đồng. Đối với vi phạm ở mức phạt từ 3 triệu đồng trở lên, hình thức phạt bổ sung là tước giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn 1-3 tháng.