18 tháng và 3 văn bản
Sáng 21/4, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) tổ chức tọa đàm phổ biến, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Trọng Lập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết, ngay thời điểm dịch, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn về kính chống cháy áp dụng cho công trình công nghiệp, nhưng Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất được kính chống cháy. Doanh nghiệp phải kiếm hàng nhập từ Trung Quốc, trong khi, cửa khẩu phía Bắc bị đóng.
Hàng loạt công trình chuẩn bị đưa vào xây dựng, nếu không có kính lắp thì toàn bộ hệ thống PCCC không được nghiệm thu, không được cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng. Trong khi đó, kiểm định loại kính này chỉ có hai đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và Bộ Công an.
“Cả nước từ Nam chí Bắc có hai lò đốt kiểm định vật liệu, trong giai đoạn dịch bệnh doanh nghiệp phải xếp hàng chờ, ảnh hưởng lớn tới công tác xây dựng của doanh nghiệp, chủ đầu tư”, ông Lập nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho hay, từng có 30 doanh nghiệp ở Long An phải bay ra Hà Nội để xin gỡ khó trong công tác thực hiện PCCC. Trong vòng 18 tháng, Bộ Xây dựng ban hành tới 3 thông tư: 01, 02, 06. Đỉnh điểm, Thông tư 06 (QCVN 06:2022/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình) đã “trói chặt” doanh nghiệp.
Ngay cả doanh nghiệp nước ngoài qua đầu tư tại khu công nghiệp, họ từng làm các tiêu chuẩn cao nhất, cũng không thể đáp ứng được và kêu trời.
Gỡ khó
Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP.HCM) cho biết, quy chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, cơ quan PCCC chỉ căn cứ vào những quy định đó để hướng dẫn hồ sơ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn quá vội vàng vừa qua, không chỉ làm khó doanh nghiệp mà khó cho cả cơ quan PCCC.
Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC &CNCH (C07) có hướng dẫn, tháo gỡ những bất cập, khó khăn trước mắt cho các cơ sở. Một số điểm đáng chú ý:
Cơ sở hoạt động ở thời điểm nào chỉ cần áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm đó. Đơn cử, một cơ sở kinh doanh đã hoạt động hàng chục năm, chủ doanh nghiệp muốn cải tạo, sửa chữa mà áp các tiêu chuẩn mới nhất là không hợp lý.
Đối với công trình đã được góp ý, thiết kế cơ sở được thẩm duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ở phiên bản trước, thì sẽ được tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh. Cơ quan PCCC không yêu cầu phải theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới.
Cụ thể, những hồ sơ, dự án đã được cơ quan PCCC thẩm duyệt ở giai đoạn thiết kế cơ sở từ năm 2020, nhưng sang năm 2021, 2022, doanh nghiệp xin điều chỉnh thiết kế công trình, cơ quan PCCC cũng chấp nhận áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm hồ sơ thiết kế thẩm duyệt ban đầu, không hồi tố toàn bộ công trình, đồng thời, cho phép doanh nghiệp chọn áp dụng cả tiêu chuẩn mới ra đời 2022, nếu thấy có lợi.
Chủ tịch Huba Nguyễn Ngọc Hòa thông tin thêm, trong hướng dẫn mới từ C07, các vật liệu, chất liệu doanh nghiệp sử dụng sẽ không kiểm định theo từng công trình cụ thể. Cơ quan chức năng sẽ kiểm định từ gốc. Vật liệu khi đã được cơ quan thẩm định công nhận, doanh nghiệp có thể tìm và sử dụng.
Chưa thể mừng
Bà Lý Kim Chi khẳng định, gần như mọi khó khăn của doanh nghiệp đã được hóa giải hết trong công văn 1091. Tuy nhiên, 3 thông tư của Bộ Xây dựng là quy định dưới luật, còn văn bản hướng dẫn trên của C07 chỉ tạm thời "chữa cháy".
1-2 năm sau, khi văn bản hết hiệu lực, thông tư của Bộ Xây dựng lại được áp dụng thì doanh nghiệp tiếp tục gặp khó. Do đó, giới doanh nghiệp vẫn phải kiến nghị sửa hẳn vào nội dung văn bản thông tư.
"Ngoài ra, văn bản 1091 là "chữa cháy" cho các doanh nghiệp đã và đang xây, sửa nhà xưởng. Còn những đơn vị xây mới như thế nào?
Doanh nghiệp nước ngoài đang lắc đầu với quy chuẩn PCCC của Việt Nam, nếu thực hiện đúng thì đội giá lên quá cao, dự án không hiệu quả. Nhiều loại vật liệu chống cháy chưa sản xuất được trong nước, muốn có thì phải nhập khẩu, hoặc doanh nghiệp đủ khả năng sản xuất không nhiều, dẫn đến nguy cơ độc quyền, ép giá" - bà Chi nói.
Phó Chủ tịch HBA, ông Lê Trọng Lập đặt câu hỏi, với quá trình xây dựng, hình thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC trên thì trách nhiệm của Bộ Xây dựng đến đâu? Bộ Xây dựng soạn thông tư, có xem xét trình độ công nghệ, năng lực sản xuất thực tế của lĩnh vực vật liệu xây dựng trong nước? Quy chuẩn khi ban hành có nghĩ tới khả năng chấp nhận được của nền kinh tế, bởi, nếu một doanh nghiệp làm toàn bộ sơn chống cháy cho nhà xưởng thì giá thành rất cao.
"Bộ Xây dựng cần rút kinh nghiệm để sau này, khi ban hành những quy chuẩn mới cần phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ban hành bất ngờ, bắt buộc thay đổi, đẩy doanh nghiệp vào thế khó, nền kinh tế ắt sẽ bị ảnh hưởng theo", lãnh đạo HBA nhấn mạnh.