Chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi ban hành Nghị quyết 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 về “CĐS tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là CĐS toàn dân, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Để làm được điều đó, các tổ CNSCĐ có vai trò rất lớn trong việc CĐS, đưa các ứng dụng số vào phục vụ đời sống.
Toàn tỉnh hiện có 1.676 tổ CNSCĐ với hơn 9.000 thành viên. Thành viên của tổ CNSCĐ gồm nòng cốt là bí thư chi bộ, trưởng thôn, khối phố; bí thư đoàn thanh niên; công an xã và tình nguyện viên tham gia hoạt động cộng đồng, có kỹ năng sử dụng nền tảng số; những người yêu thích công nghệ…
Đến nay cả tỉnh đã cài đặt được hơn 741.000 tài khoản, ứng dụng số (đạt 164% kế hoạch). Trong đó: ứng dụng Công dân số Xứ Lạng hơn 217.000 tài khoản, đạt 144% kế hoạch; ứng dụng thanh toán điện tử 256.620 tài khoản, đạt 171% kế hoạch; tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử 267.600 tài khoản, đạt 194% kế hoạch.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin – Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh cho biết: Ngoài tổ trưởng tổ CNSCĐ là bí thư chi bộ thôn, tổ phó là bí thư đoàn thanh niên, năm nay chúng tôi bổ sung thêm công an chính quy ở cấp xã vào các tổ CNSCĐ nhằm triển khai có hiệu quả các ứng dụng số nhất là ứng dụng định danh điện tử VneID và hướng dẫn người dân sử dụng an toàn những ứng dụng số. Trong thời gian qua, các tổ CNSCĐ đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia CĐS.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” các tổ CNSCĐ đã chủ động nghiên cứu, lựa chọn phương pháp hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể như hướng dẫn tiểu thương, hộ kinh doanh kỹ năng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, mua bán thông qua sàn thương mại điện tử; đối với gia đình có con trong độ tuổi đi học thì tập trung hướng dẫn thanh toán học phí trực tuyến, sử dụng ứng dụng học tập trực tuyến; với người cao tuổi hướng dẫn cách thức cài đặt, sử dụng các ứng dụng bảo hiểm VssID, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa…
Chị Hoàng Thu Hằng, Bí thư Đoàn xã Bắc Xa, huyện Đình Lập cho biết: Là thành viên tổ CNSCĐ, tôi cùng các thành viên đã hỗ trợ đảng viên cài đặt và sử dụng nền tảng Sổ tay đảng viên phục vụ công tác đảng; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng công dân số Xứ Lạng, định danh điện tử VneID… Đến nay, chúng tôi đã phát triển được 2.120 tài khoản thanh toán điện tử và cài đặt các ứng dụng số, đạt hơn 300% chỉ tiêu kế hoạch.
Từ năm 2020 đến nay, thành viên các tổ CNSCĐ đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng số cho trên 504.000 lượt người. Nhờ đó, các nền tảng số, ứng dụng số đã nhanh chóng được phổ biến đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Có thể nói hiện nay, người dân từ khu vực nông thôn đến thành thị, từ học sinh đến người cao tuổi đều nắm được chủ trương về CĐS và biết sử dụng những ứng dụng số liên quan.
Theo thống kê của Sở Thông tin – Truyền thông, đến nay cả tỉnh đã cài đặt được hơn 741.000 tài khoản, ứng dụng số (đạt 164% kế hoạch). Trong đó: ứng dụng Công dân số Xứ Lạng hơn 217.00 tài khoản, đạt 144% kế hoạch; ứng dụng thanh toán điện tử 256.620 tài khoản, đạt 171% kế hoạch; tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử là 267.600 tài khoản, đạt 194% kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Nụ, tiểu thương kinh doanh tại chợ thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Qua tuyên truyền, hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên tổ CNSCĐ, tôi đã đăng ký và được cấp mã Qr Code để thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng đó, tôi còn được hướng dẫn sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng trên điện thoại thông minh. Đây là hoạt động rất ý nghĩa vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng vừa tạo thuận lợi cho tôi trong kinh doanh.
Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ CNSCĐ đã hỗ trợ người dân cài đặt trên 340.000 tài khoản định danh điện tử VneID, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao, đứng thứ 3 toàn quốc về số người cài đặt. Việc cài đặt tài khoản định danh điện tử VneID góp phần tạo ra cơ sở dữ liệu về dân cư.
Khi liên kết dữ liệu này với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và thời gian cho người dân khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cá nhân; tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức.
Qua hướng dẫn của tổ CNSCĐ, hiện trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ứng dụng số được người dân và doanh nghiệp sử dụng thành thạo, điển hình như: nền tảng cửa khẩu số, nền tảng trợ lý ảo; chức năng phản ánh hiện trường; ứng dụng dữ liệu đất đai; bảo hiểm xã hội; dịch vụ công; thanh toán học phí; phần mềm quản lý sức khỏe điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử…
Thông qua những ứng dụng này, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng; thuận lợi khi giao dịch mua bán, có thể phản ánh những thông tin về an ninh trật tự, an toàn giao thông đến cơ quan có thẩm quyền…
Với đội ngũ đông, có mặt ở khắp các thôn, bản, khối phố, am hiểu về công nghệ, nhanh nhạy với các xu hướng trong cuộc sống, các tổ CNSCĐ có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chủ chương, chính sách của tỉnh về CĐS đến với người dân cũng như tích cực lan tỏa để đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực tham gia.
Tuy chưa có những chính sách riêng hỗ trợ cho thành viên tổ CNSCĐ song với trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mỗi thành viên tổ CNSCĐ vẫn hằng ngày tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số, tham gia phát triển kinh tế số, góp phần thiết thực vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Theo Hoàng Vương-Đăng Thùy (Báo Lạng Sơn)