Báo Straits Times đưa tin, sau 2 năm buộc phải hủy bỏ vì đại dịch Covid-19, hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, sẽ quay trở lại đảo quốc sư tử từ ngày 10 - 12/6, quy tụ khoảng 500 đại biểu, bao gồm cả các bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao, các nhà ngoại giao và công ty sản xuất vũ khí đến từ 42 quốc gia tham dự. Theo thông lệ, sự kiện diễn ra tại khách sạn Shangri-La ở đường Orchard, Singapore sẽ chứng kiến một chuỗi các bài phát biểu, phiên họp và tranh luận luận trực tiếp cũng như các cuộc tiếp xúc riêng bên lề hội nghị.
Trong tuyên bố phát đi ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, Đối thoại Shangri-La "đã cung cấp một diễn đàn có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề cũng như sáng kiến quốc phòng và an ninh". Hội nghị thượng đỉnh này cũng là nơi để các quan chức quốc phòng cấp cao đề xuất những giải pháp mang tính xây dựng cho các vấn đề khu vực, "điều hiếm khi cần thiết hơn vào một thời điểm suy giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc" như hiện nay, theo James Crabtree, Giám đốc phụ trách châu Á của IISS.
Thủ tướng Nhật Kishida Fumio dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị hôm nay, 10/6, đề cập đến triển vọng chiến lược đang thay đổi của đất nước ông, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine và các thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Nhật gần đây nhất giữ vai trò diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La là ông Abe Shinzo vào năm 2014.
Ngoài mối quan tâm về những tác động an ninh khi các quốc gia đang thúc đẩy quá trình phục hồi hậu Covid-19, giới quan sát kỳ vọng diễn đàn sẽ làm sáng tỏ cách nhìn nhận và lập trường của Mỹ cũng như Trung Quốc trong mối quan hệ với khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào ngày 11/6. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài diễn văn về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hai lãnh đạo quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc cũng dự kiến có cuộc tiếp xúc trực tiếp bên lề hội nghị, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng tháng 1/2021, để bàn về cách kiểm soát cạnh tranh giữa các siêu cường, trong bối cảnh căng thẳng song phương về nhiều vấn đề, kể cả các động thái quân sự ở Biển Đông và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh với các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Ông Austin và ông Ngụy đã có cuộc điện đàm hồi tháng 4, nhiều tuần trước khi ông Biden có một phát biểu về Đài Loan (Trung Quốc), khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Các sự kiện Đối thoại Shangri-La trước đây từng được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo quân sự của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp gỡ và nỗ lực giảm thiểu sự thù địch đang tiếp diễn.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tiết lộ với Reuters, trọng tâm các cuộc tiếp xúc Mỹ - Trung tại hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ là cố gắng thiết lập các đường ray bảo vệ mối quan hệ song phương và đảm bảo những bất đồng sẽ không biến thành một dạng hiểu lầm quân sự hoặc thông tin sai lệch nào đó. Truyền thông Trung Quốc cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ tận dụng hội nghị như cơ hội để thảo luận về khả năng hợp tác với Mỹ.
Phó giáo sư Dylan Loh thuộc chuyên ngành Chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) bày tỏ, mặc dù không có nhiều kỳ vọng về việc Mỹ - Trung đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào từ các cuộc tiếp xúc lần này, nhưng ông hy vọng đó sẽ là một bước nhỏ trong việc khôi phục các đường dây liên lạc thường xuyên hơn giữa hai nước.
Steven Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn địa chiến lược McLarty Associates có trụ sở tại Singapore lưu ý, các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đã thể hiện rất rõ ràng trước Washington và Bắc Kinh về các ưu tiên của họ.
"Chúng tôi không muốn bị buộc phải lựa chọn có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế với bên này hay bên kia", ông Okun nói. Chuyên gia này cho biết thêm, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ theo dõi sự kiện năm nay để xem các siêu cường định vị bản thân như thế nào, đặc biệt sau khi Mỹ đề xuất Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) vào tháng trước như một giải pháp thay thế cho sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mặc dù Đối thoại Shangri-La 2022 tập trung vào các vấn đề an ninh của châu Á, nhưng khủng hoảng Nga - Ukraine cũng sẽ là một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận. Theo một nguồn thạo tin, Ukraine đã cử một đoàn đại biểu, gồm cả Phó Thủ tướng Dmytro Senik đến dự hội nghị, trong khi phía Nga sẽ không tham gia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có bài phát biểu trực tuyến trước hội nghị vào ngày 11/6, theo các nhà tổ chức.
Ngoài ra, các đại biểu dự kiến cũng sẽ bàn về những lo ngại an ninh ngày càng tăng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng đã thực hiện ít nhất 18 vụ thử vũ khí, trong đó có cả tên lửa đạn đạo, kể từ đầu năm nay. Cách đây 2 tuần, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết đề xuất của Mỹ về việc áp thêm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Triều Tiên.
Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và Nga "đặt quan hệ chiến lược của nhau lên trên an ninh thế giới". Tuy nhiên, các đại diện Bắc Kinh và Moscow đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.
Tuấn Anh