Washington muốn triển khai thêm các mạng điện thoại di động phương Tây ở tiểu lục địa để ứng phó với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, chào đón thêm các chuyên gia vi xử lý máy tính Ấn Độ đến Mỹ và khuyến khích các công ty của cả hai nước hợp tác phát triển khí tài như các hệ thống pháo binh.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên mọi mặt trận, bao gồm cả các hạn chế của Mỹ về chuyển giao công nghệ quân sự và việc cấp thị thực cho lao động nhập cư cũng như sự phụ thuộc lâu dài của Ấn Độ vào Nga về vũ khí.
Theo Reuters, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval cùng các quan chức cấp cao của hai nước sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng hôm nay (1/2) để khởi động Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về các công nghệ quan trọng và mới nổi.
“Thách thức lớn hơn từ các hoạt động kinh tế, động thái quân sự, nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp của tương lai và kiểm soát các chuỗi cung ứng cho tương lai của Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ ở Delhi. Đây là một phần cơ bản lớn khác của chiến lược tổng thể nhằm đặt toàn bộ thế giới dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào thế mạnh... Đó là một vụ đặt cược chiến lược của hai nhà lãnh đạo... về ý tưởng tạo ra một hệ sinh thái sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của chúng tôi”, ông Sullivan nói.
Mỹ tỏ ra thất vọng khi Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận chung với Nga và tăng cường mua dầu thô của xứ sở bạch dương bất chấp việc Washington và các đồng minh phương Tây kêu gọi áp cấm vận Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Washington chỉ hối thúc New Delhi áp trừng phạt Nga, đồng thời giữ im lặng về lập trường cứng rắn hơn của Ấn Độ trước Trung Quốc.
Ngoài hợp tác về thiết bị quân sự, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), hãng General Electric của Mỹ đang yêu cầu chính phủ nước này cho phép bắt tay với Ấn Độ sản xuất động cơ phản lực dùng trong các máy bay do quốc gia Nam Á vận hành và chế tạo.
Mặc dù Ấn Độ là một phần trong dự án gắn kết châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) về các chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và chống tham nhũng, nhưng nước này đã chọn không tham gia các cuộc đàm phán thương mại trụ cột của IPEF.