Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, là 1 trong những nơi hội tụ nhiều dân tộc thiểu số, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... với hơn 95% là người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.
Những năm qua tỉnh luôn quan tâm chú trọng triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc một cách có hiệu quả.
Trong đó, việc triển khai xây dựng hương ước, quy ước đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai các quy định của nhà nước cũng như tạo ra một hành lang pháp lý đến từng làng, bản, xóm, tổ dân phố và dần trở thành một thước đo chuẩn mực tạo ra tính tự giác, tự quản trong cộng đồng dân cư.
Theo đó, chỉ tiêu các danh hiệu văn hóa được tăng lên hằng năm; công tác chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng gia đình văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Năm 2020, tỉnh Cao Bằng thực hiện việc sáp nhập đơn vị xóm, tổ dân phố, tổng số có 2.487 tổ xóm, sau sáp nhập còn 1.462 tổ xóm, giảm 1.025 tổ xóm. Sau khi sáp nhập, ngành văn hóa thể thao và du lịch đã kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện việc kiểm tra rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy ước xóm, tổ dân phổ sau khi sáp nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 1.462/1.462 quy ước xóm, tổ dân phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đạt 100%.
Nội dung các hương ước, quy ước luôn bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.
Nhiều bản hương ước, quy ước đã thể hiện được tính thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.
Đơn cử như huyện Hạ Lang, nhờ triển khai và thực hiện các hương ước, quy ước nên năm 2022, huyện có 5.348 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 81 làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 112 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đến nay, 100% xóm, tổ dân phố trong huyện có quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương; 100% xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã.
Duy trì câu lạc bộ thể dục, thể thao và các đội văn nghệ tại các xóm, tổ dân phố, các xã, thị trấn và chi hội bảo tồn dân ca. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng thu hút trên 18% dân số tham gia luyện tập thường xuyên.