Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp được xác định là giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập của nông dân.

Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng CĐS đang được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh chú trọng thực hiện.

Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, mở rộng kênh tiêu thụ bền vững cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Để thúc đẩy quá trình CĐS trong sản xuất nông nghiệp, các cấp HND trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về CĐS; tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình CĐS trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các cấp Hội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet. Duy trì, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ “Nông dân với Internet”; tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ nông dân CĐS.

Từ đầu năm đến nay, HND tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn cho hơn 200 học viên là cán bộ tổ chức đoàn thể cơ sở, hộ nông dân về hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại 2 huyện Hòa An, Thạch An.

Qua đó, hội viên, nông dân được hướng dẫn cách tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản; khai thác hiệu quả những thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, các cấp HND tích cực vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất; giới thiệu các mô hình CĐS trong nông nghiệp đã và đang triển khai tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh. 

Các cấp hội nông dân trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành cho hội viên, nông dân.

Các cấp Hội tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông; đào tạo cho hội viên, nông dân; tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn TMĐT để tiêu thụ sản phẩm… HND tỉnh và Bưu điện tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Đến nay, hai bên thu thập thông tin 28 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Buudien.vn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 30.094 hội viên, nông dân đăng ký cài đặt ứng dụng nền tảng số nông dân Việt Nam nhằm tạo lập một cơ sở dữ liệu điện tử đồng bộ, quản lý các thông tin của tổ chức hội, thông tin cán bộ, hội viên, kết nối các thống kê số lượng, chất lượng hội viên sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

cao bnag.jpg
 Cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn cài đặt sử dụng nền tảng số Nông dân Việt Nam.

Hàng hóa nông sản của nông dân do HND kết nối được bán qua hai hình thức: Gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT và trực tiếp tại gian hàng nông sản an toàn của hệ thống bưu điện.

Có 10 gian hàng với 25 sản phẩm nông nghiệp của hơn 10 nhà cung cấp trong tỉnh do HND kết nối, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng được đưa lên sàn TMĐT Buudien.vn. Bưu điện tỉnh, HND tỉnh phối hợp hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng hóa; tổ chức 35 chương trình hội nghị lồng ghép vào các buổi đào tạo, sự kiện của HND tại địa bàn các huyện, Thành phố.

Thực hiện truyền thông về ý nghĩa chương trình phối hợp và hỗ trợ CĐS trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hướng dẫn các hộ, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT Buudien.vn thu hút hơn 1.000 lượt người, kết hợp tạo 140 tài khoản Postmart mua, bán tham gia sàn TMĐT Buudien.vn.

Phát triển 14 cộng tác viên, đại lý là hội viên HND tham gia cung cấp các sản phẩm hàng hóa của bưu điện, nhân viên bưu điện hỗ trợ hội viên đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản địa phương đạt tiêu chuẩn chất lượng tham gia sàn TMĐT Buudien.vn, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng tác viên, đại lý.

Chủ tịch HND tỉnh Dương Hùng Dũng chia sẻ: Mặc dù bước đầu thực hiện gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT còn nhiều khó khăn do tâm lý mua bán truyền thống của cả người bán và người mua, nhưng đến nay nhiều nông dân trong tỉnh dần quen thuộc với sàn TMĐT Buudien.vn và các kênh phân phối trên mạng xã hội facebook, zalo.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã chủ động tìm đến các sàn TMĐT để đăng ký tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tiếp cận với các kênh phân phối lớn.

Việc ứng dụng CĐS trong sản xuất không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... cũng từng bước áp dụng phù hợp.

Qua đó, từng bước góp phần thực hiện hiệu quả hỗ trợ hội viên, nông dân CĐS trong sản xuất nông nghiệp, triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 Theo Tiến Mạnh (Báo Cao Bằng)