Đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông

Xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ xa xưa, người dân ở đây đã mưu sinh bằng nghề làm miến dong, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đi vào quy củ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Hiểu được những khó khăn, vất vả của đồng bào nơi đây, thời gian qua, xã Nguyễn Huệ đã chủ động kết nối với các nhà mạng để đưa cột sóng lên vùng núi cao này. Nhờ đó, người dân được tiếp cận với mạng viễn thông, Internet để tìm kiếm thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật, thành lập hợp tác xã tìm đầu ra cho sản phẩm miến dong của địa phương.

“Trước đây, khi chưa có sóng di động, cách thức tiếp cận thông tin của người dân chúng tôi rất hạn chế. Ngay cả việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn vì phải tới tận Ủy ban xã để nghe phổ biến hoặc cán bộ xã lên tận nơi để thông báo. Khi tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh chuyển đổi số và lắp mạng viễn thông, sóng di động đã phủ khắp bản làng, chúng tôi đã thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin để tìm đầu ra cho sản phẩm. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo xã có những đổi thay đáng kể", một người dân ở xã Nguyễn Huệ chia sẻ.

Cao Bằng 5
 VNPT Cao Bằng đang lắp đặt mạng viễn thông đến vùng sâu, vùng xa tỉnh.

Để “tăng giàu” về thông tin cho người dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh việc đưa sóng điện thoại, mạng viễn thông về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân nắm rõ và hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có 1.322 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt 100%; số thuê bao điện thoại toàn mạng đạt gần 614.582 (trong đó 603.002 thuê bao di động); 80.382 thuê bao Internet với 52.156 thuê bao truyền hình qua giao thức Internet; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt gần 50%.

Cung cấp thông tin, hỗ trợ tạo việc làm

Cùng với đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, tỉnh Cao Bằng cũng chú trọng công tác tuyên truyền thông tin về thị trường lao động, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Trong kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản tuyên truyền về công tác giảm nghèo với các hình thức phù hợp như phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội như Zalo, fanpage… Từ đó, mọi người dân Cao Bằng đều được cung cấp thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giảm nghèo bền vững.

Từ đầu năm đến nay, với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết và duy trì việc làm cho người lao động; kết nối cung - cầu lao động giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động, người lao động tìm được việc làm phù hợp. Toàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện hỗ trợ tạo việc làm cho 13.574 lao động. 

Trong đó, 668 lao động được giới thiệu, cung ứng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, đạt 92% kế hoạch; 12.464 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, đạt 498% kế hoạch; đưa 243 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 121,5% kế hoạch.

Có thể nói, việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách, chương trình, kế hoạch… trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số đã đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Cao Bằng, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh.