Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi
Cao Bằng là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, là một trong những trung tâm kinh tế về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc….
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong 3 nội dung đột phá chiến lược. Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế trên 333 km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) tới Trùng Khánh (Trung Quốc) sang các nước châu Âu và ngược lại.
Từ hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040.
Phạm vi quy hoạch có diện tích khoảng 30.130ha, bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới, từ xã Cần Nông (huyện Hà Quảng) đến xã Đức Long (huyện Thạch An).
Theo Quy hoạch chung, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng sẽ được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính. Các trung tâm của phân vùng kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh thông qua các tuyến giao thông chính là đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Quốc lộ 3, 4, 34.
Khu kinh tế cửa khẩu sẽ có 4 khu du lịch chính. Đó là khu du lịch gắn với di tích lịch sử Pác Bó và di tích Kim Đồng; Khu du lịch thác Bản Giốc; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ngườm Lồm - Nặm Khao; Khu phức hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể dục, thể thao (sân golf), vui chơi, giải trí tại xã Đình Phong (Trùng Khánh).
Quy hoạch cũng xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp tại các vùng nông nghiệp, làng bản và phát triển du lịch tham quan mua sắm tại các cửa khẩu lối mở.
Về hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, khu Kinh tế cửa khẩu Cao Bằng có các cửa khẩu quốc tế: Tà Lùng, Trà Lĩnh, và sẽ quy hoạch nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn lên thành cửa khẩu quốc tế. Ngoài ra, còn có các cửa khẩu chính là: Sóc Giang, Pò Peo; Cửa khẩu là Hạ Lang và Nà Lạn.
Hiện nay tỉnh đang đầu tư một là Đường tỉnh 213 từ Trùng Khánh đến Cửa khẩu Pò Peo, thứ hai là tuyến nối từ Thị trấn Trà Lĩnh cũ đến trung tâm huyện Trùng Khánh, đồng thời tiếp tục nâng cấp, sửa chữa một số tuyến giao thông đến các cửa khẩu. Các tuyến đường theo đề án đã duyệt khoảng 2000 tỉ đồng để kết nối đến các cửa khẩu và các khu du lịch. Theo kế hoạch dự kiến đến 2025 Cao Bằng sẽ hoàn thành kết nối các tuyến từ thành phố Cao Bằng đến các cửa khẩu
Huyện Trùng Khánh: Phát triển kinh tế cửa khẩu là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2020-2025
Thế mạnh của huyện Trùng Khánh là kinh cửa khẩu, trên địa bàn hiện có cửa khẩu Trà Lĩnh và cửa khẩu Pò Peo đang góp phần phát triển kinh tế vùng biên.
Để phát triển kinh tế cửa khẩu, theo lãnh đạo của Trùng Khánh, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cửa khẩu hằng năm, phù hợp với từng giai đoạn. Chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực quản lý, hoàn thành kết cấu hạ tầng cửa khẩu, thông thoáng trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện để phát huy hiệu quả kinh tế cửa khẩu.
Đồng thời, huyện thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ đối ngoại với phía Trung Quốc trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cửa khẩu và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cửa khẩu.
Cùng với việc tiếp tục huy động nguồn lực hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, cần thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kịp thời đưa ra các giải pháp, hướng dẫn và khuyến cáo nhằm tránh rủi ro, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, tập trung phối hợp với các cấp có thẩm quyền tổ chức các cuộc hội đàm với phía Trung Quốc nhằm duy trì quan hệ hợp tác biên giới với Cửa khẩu Pò Peo (Việt Nam), mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác của Trung Quốc.
Thúy Hồng, Minh Hưng, Khánh Hòa