Chương trình xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” diễn ra ngày 8/12, là một trong 13 hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng, diễn ra từ 8-10/12 tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tiềm năng lớn, đầu tư còn khiêm tốn

Tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho hay, Cao Bằng cách Hà Nội 300km, còn khó khăn về kinh tế và hạ tầng xã hội, có số hộ nghèo cao với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn cao nhất nước, chiếm 95%. 

Nhưng Cao Bằng cũng là địa phương có tiềm năng đặc biệt về du lịch, với bề dày lịch sử hơn 500 năm và trên 200 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 2 bảo vật quốc gia, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, không thể không kể đến các danh thắng nổi tiếng, như: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh), quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm có giá trị quốc tế cao,... cùng những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm. Đây là những “báu vật” tiềm năng để Cao Bằng khai thác phát triển các loại hình du lịch.

W-thac-ban-gioc-3.jpg
Sau khi triển khai thí điểm khai thác du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc), tỉnh Cao Bằng hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch qua biên giới (Ảnh: Lê Anh Dũng) 

Trong đó, các sản phẩm du lịch Cao Bằng đang tập trung khai thác là du lịch văn hoá lịch sử, tâm linh, lễ hội, trải nghiệm văn hoá bản địa; du lịch tham quan, nghiên cứu, khám phá hang động, địa chất; du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch qua biên giới và du lịch về đêm.

Nhờ những nỗ lực trong xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đầu tư nên kết quả kinh doanh du lịch của tỉnh giai đoạn 2020-2023 ghi nhận những thành tựu đáng kể. Tổng lượng khách ước đạt trên 4 triệu lượt (đạt 135% chỉ tiêu giai đoạn đề ra), trong đó khách quốc tế đạt 63.900 lượt (đạt 21,3% chỉ tiêu), khách nội địa trên 3,9 triệu lượt (đạt 147% mục tiêu). Tổng thu du lịch ước đạt 2.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Ánh thừa nhận, nguồn lực đầu tư cho du lịch của Cao Bằng còn khiêm tốn, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược; công tác quảng bá xúc tiến điểm đến còn yếu, chưa toàn diện, chưa diễn ra mọi nơi mọi lúc nên có nhiều du khách chưa biết đến Cao Bằng nên du lịch địa phương chưa thực sự phát triển.

Ông Vi Trần Thùy, Phó Giám đốc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, cũng cho rằng, dù chất lượng du khách và số lượng du khách bắt đầu tăng (trước đây chỉ vào dịp lễ, cuối tuần), nhưng so với số lượng du khách hiện tại thì nguồn thu chưa như kỳ vọng. Bắt đầu có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm và đầu tư vào du lịch Cao Bằng, song phần lớn vẫn là hộ kinh doanh cá thể. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, tâm lý vẫn chạy theo đám đông và thị trường,...         

Hướng tới phát triển bền vững

Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố để hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao như du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng,...

Đặc biệt, khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) sau thời gian triển khai thí điểm (dự kiến đến cuối năm 2024) sẽ thống nhất để tổ chức vận hành chính thức, trở thành khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.

W-dong-nguom-ngao-4.jpg
Động Ngườm Ngao - một cảnh quan trong Khu du lịch Thác Bản Giốc (Ảnh: Ngọc Hà)

Là người khởi xướng và triển khai nhiều dự án phát triển du lịch bền vững tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, ông Vi Trần Thùy thấy rõ lợi ích mang lại từ hướng đi này.

Ông dẫn chứng, tại làng làm giấy bản thủ công, người dân đã biết làm thành quạt, bán cho khách du lịch với giá 25.000 đồng/cái và xuất khẩu. Tại làng nghề làm ngói Lũng Rì, Tự Do, Quảng Hòa, trước bà con chỉ bán với giá 2.000 đồng mỗi viên, nay phát triển làm quà lưu niệm có giá 25.000-50.000 đồng, gia tăng thu nhập. Ngoài ra là các hoạt động trải nghiệm du lịch đặc sắc tại homestay,...

Theo ông Vi Trần Thùy, ngoài giá trị hàng hoá mang lại thu nhập cho bà con, các làng nghề còn là những “bảo tàng sống” về truyền thống văn hoá, lịch sử; là bí quyết, lối sống phong tục tập quán gắn liền với không gian, địa lý mang lại giá trị độc đáo, riêng biệt - nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch văn hóa.

Để tăng cường thu hút khách du lịch đến “xứ sở thần tiên”, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đề nghị được Trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, các di tích quốc gia, các khu điểm du lịch lớn... 

Địa phương cũng mong muốn được đăng cai tổ chức Hội nghị Công viên địa chất mạng lưới Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8, diễn ra vào tháng 9-10/2024. Ngoài ra, được hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô lớn trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, Cao Bằng mong được đón các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; cùng quảng bá, xây dựng các tour tuyến, sản phẩm du lịch đặc trưng tạo sức hút đối với du khách.

Để khách du lịch đến với Cao Bằng nhiều hơn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đề nghị tỉnh chú trọng đến việc phát huy và làm mới các sản phẩm, chương trình, tuyến, điểm du lịch; có các gói kích cầu có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác. 

Thứ trưởng lưu ý, về xúc tiến du lịch, tỉnh nên lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để xây dựng chiến lược truyền thông. Về công tác chuyển đổi số, cần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch. Ông cũng nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và kết nối các điểm có tiềm năng phát triển du lịch là việc làm mà Cao Bằng cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới. 

Ngọc Hà