Tỉnh Cao Bằng vừa phát động cuộc thi “Ảnh đẹp Non nước Cao Bằng” (2022-2023) và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở VHTT&DL với VNPT Cao Bằng giai đoạn 2022-2025.
Trong những năm qua, ngành du lịch Cao Bằng dần khẳng định hướng đi đúng, được các chuyên gia và bạn bè quốc tế đánh giá cao thông qua các sự kiện có quy mô như: đăng cai tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO tháng 4/2018, Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO”; một số hoạt động lần đầu tiên tổ chức: Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc, Cuộc thi người đẹp du lịch Non nước Cao Bằng, Liên hoan hát Then - đàn tính; Đua xe đạp “Non sông liền một dải”…, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh miền đất và con người Cao Bằng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 2022, ngành du lịch Cao Bằng có dấu hiệu khởi sắc, nhất là từ sau khi du lịch Việt Nam chính thức “mở cửa” trở lại (ngày 15/3/2022). Riêng 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đạt 448 nghìn lượt, tăng 48% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 162 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2021.
Được biết tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đột phá và tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để khai thác tối đa lợi thế chính của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đang tập trung hoàn thành tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào năm 2025; xây dựng sân bay sau năm 2030. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng các khu điểm của tỉnh theo hướng đồng bộ, đa chức năng. Khai thác và phát huy tối đa hiệu quả danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, 03 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc. Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc; bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào cơ sở đào tạo của tỉnh.
Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên báo chí và mạng xã hội. Tăng cường hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch, phối hợp xây dựng khai thác các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch địa phương và liên vùng. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là chính sách thu hút đầu tư và du lịch sinh thái.
Vân Anh, Duy Khánh, Thu Hoài, Lan Anh