Theo thống kê của Sở NN&PTNN Hà Nội, kể từ đầu năm tới nay, toàn thành phố đã ghi nhận 34 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy lên tới 40,7 ha.
Tại Bắc Giang, thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, trong vòng 6 tháng đầu năm, đã ghi nhận tới 24 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 34,73 ha.
Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 17 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy lên tới hơn 46 ha. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng phòng hộ.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân xảy ra cháy rừng chủ yếu từ sự bất cẩn của người dân trong khi xử lý thực bì bằng phương pháp đốt khiến lửa lan nhanh, gây cháy rừng và nguy hiểm tính mạng của cả chính chủ rừng.
Vị đại diện này dẫn chứng, vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào ngày 4/6, đã khiến một người thiệt mạng. Theo đó, chủ rừng đã cố tình đốt thực bì bất chấp những khuyến cáo của cán bộ kiểm lâm.
Do không kiểm soát được nguồn lửa nên đã bị cháy lan sang rừng trồng của hộ bên cạnh. Trong quá trình chữa cháy, chủ rừng đã bị kiệt sức và tử vong khi trên đường đi cấp cứu.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết thêm, hiện nay, miền Bắc đang bước vào cao điểm mùa hanh khô (kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chính vì thế, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng, chủ hộ trồng rừng cần hết sức thận trọng.
“Khi xảy ra cháy rừng, nếu không xử lý kịp thời, thiệt hại là rất lớn do nhiều khu vực có thảm thực bì dày, kết hợp với thời tiết hành khô và gió sẽ lan ra rất nhanh. Do đó, sẽ tốn rất nhiều công sức và thời gian mới có thể kiểm soát được đám cháy”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH lưu ý.
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, một trong những mắt xích quan trọng trong nỗ lực phòng chống cháy rừng chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy rừng.
Theo đó, cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng lửa để đốt thực bì trong những ngày có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Khi sử dụng lửa trong rừng, cần có sự giám sát liên tục, đảm bảo lửa không cháy lan sang các khu vực xung quanh.
Người dân cũng cần được tập huấn cách sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy rừng thường xuyên.
Ngoài ra, các địa phương cũng có thể triển khai phương án như giao đất, giao rừng, khuyến lâm cho các hộ gia đình, các đơn vị cộng đồng để tăng cường khả năng bảo vệ rừng.
“Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Chính vì thế, trách nhiệm bảo vệ rừng không thể chỉ dừng lại ở cơ quan chức năng mà còn cần cả sự chung tay của tất cả chúng ta. Do đó, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ rừng, đặc biệt là trước nguy cơ cháy trong mùa hanh khô như hiện nay”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh.