Vô vàn khó khăn vì giá tăng
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km (đi qua Ninh Bình và Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự kiến 12.111 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách.
Dự án khởi công tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế dự án đang gặp rất nhiều khó khăn vì các đợt tăng giá liên tục của nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào.
Theo ghi nhận tại các gói thầu số 11, 12, 13 – XL đoạn qua huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), thời gian qua, các nhà thầu vẫn triển khai thi công để đảm bảo tiến độ nhưng việc thi công mang tính “cầm chừng”, chờ chính sách giá mới.
Công trường thi công cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 |
Phó Giám đốc phụ trách một đơn vị thi công chia sẻ, từ lúc triển khai đã gặp khó khăn về vật liệu. Thiếu đất đắp, giá đất cao hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu.
Đặc biệt, từ khi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá xi măng, sắt thép cũng tăng, nhà thầu càng thêm điêu đứng.
“Thời điểm phê duyệt dự toán, giá dầu chỉ có 14.000 đồng, nay lên 25.000 đồng; xi măng, sắt, thép cũng tăng lên 5 – 7 giá.
Đối với nhà thầu chính như chúng tôi vẫn đang thi công để kịp tiến độ. Tuy nhiên, các nhà thầu phụ cơ bản họ đã chán nản, nhiều đơn vị có dấu hiệu đã tạm dừng vì không thể gánh nổi”, vị này cho biết.
Được khởi công từ tháng 5/2021, dự án cao tốc cung đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt kéo dài gần 50 km đi qua 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km).
Nhà đầu tư Công ty TNHH Hoà Hiệp kiêm đơn vị thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: Quốc Huy |
Xác định đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng, ngay từ khi bắt đầu triển khai, hàng loạt nhà đầu tư dự án như Công ty TNHH Hòa Hiệp; Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4; Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn; Công ty CP đầu tư và xây dựng VINA2 và Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng luôn huy động mọi nguồn lực đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục trên công trường.
Lều lán của Công ty CP LICOGI 16 tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quốc Huy |
Ông Phùng Thái Hoà – Chỉ huy trưởng công trình Công ty TNHH Hoà Hiệp, đoạn qua xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên) cho biết, trong thời điểm giá xăng dầu lên cao ảnh hưởng đến công tác vận chuyển vật liệu thi công.
“Giá cát san lấp tăng 10% tại bến, cùng với chi phí vận chuyển tăng nên nhiều nhà thầu chưa dám thi công ồ ạt. Doanh nghiệp chúng tôi chủ động trong cung cấp vật liệu thi công, chủ động về nhân lực, máy móc nên có phần thuận lợi hơn so với các nhà thầu khác” – ông Hoà chia sẻ.
Trong khi đó, một số nhà thầu cho rằng, do chưa thống nhất, thương thảo giá cả vận chuyển và nguyên vật liệu nên một số đơn vị đang làm việc cầm chừng và chờ điều chỉnh giá.
Công nhân rảnh rỗi nuôi cả gia súc trên công trường. Ảnh: Quốc Huy |
Cũng tại dự án này đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, nhiều nhà thầu “kêu trời” bởi giá vật liệu tăng vọt so với giá trúng thầu.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (chủ đầu tư kiêm nhà thầu) cho biết, hiện nay cao tốc Bắc – Nam vẫn đang thi công bình thường nhưng chậm hơn.
“Chưa có nhà thầu dừng thi công nhưng các nhà thầu vất vả do vật liệu xây dựng tăng”, đại diện Công ty Phúc Thành Hưng nói.
Cùng rơi vào cảnh khó khăn như các dự án nói trên, hàng loạt nhà thầu tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng đang rơi vào tình trạng giảm nhiệt thi công do sự tăng vọt của giá nguyên, vật liệu.
Theo đại diện chủ đầu tư, mặc dù được khởi công từ tháng 9/2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, dự án mới hoàn thành khoảng 78,75% khối lượng toàn tuyến.
Gói thầu XL02 - Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Lữ đoàn 384 thi công |
Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Thái Văn Linh – Chính ủy Lữ đoàn 384 (Binh đoàn 12 – Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị là nhà thầu thi công hạng mục gia cố xi măng và bê tông
Theo ông Linh, kể từ thời điểm bắt đầu triển khai, không chỉ đơn vị này mà nhiều nhà thầu khác trên toàn tuyến cũng gặp không ít khó khăn.
“Khó khăn do mặt bằng chậm và nhân công tăng cao. Đặc biệt, địa bàn Quảng Trị thời tiết mưa nhiều khiến việc thi công nhiều lúc bị đình trệ, chi phí đội lên rất lớn.
Chỉ tính đơn giản, thời điểm bắt đầu thi công cao tốc, xi măng tùy loại, dao động từ 1,1 triệu – 1,3 triệu/tấn thì nay đã tăng lên 1,5 -1,7 triệu/tấn. Đáng nói, do nhiên liệu tăng cao, mỗi tấn xi măng phải “cõng” thêm nhiều tiền cước.
Ảnh hưởng của thị trường cũng khiến giá sắt thép tăng lên rất cao khi vượt tới 21% so với giá trị dự toán ban đầu”, Đại tá Thái Văn Linh chia sẻ.
Cũng theo ông Linh, giá vật liệu, nhiên liệu xăng dầu hiện nay biến động, “nhảy múa” theo ngày. Có thể nói, thời điểm hiện tại giá đã tăng khoảng 40 - 45% so với thời điểm trúng thầu và nhà thầu trước mắt chấp nhận bù lỗ để hoàn thành tốt tiến độ.
Công nhân Lữ đoàn 384 chong đèn thi công để kịp tiến độ. |
Chấp nhận lỗ để thi công, chờ điều chỉnh giá
Có thể nói, với mức tăng phi mã của nguyên vật liệu, nhiên liệu trong thời gian qua đẩy các nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam rơi vào thế khó khăn, nhiều đơn vị “sống dở, chết dở” và xu hướng nhiều nhà thầu không đủ tiềm lực tài chính, tạm dừng thi công là điều không thể tránh khỏi.
Theo một số đơn vị thi công tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, những khó khăn này không chỉ riêng đơn vị nào mà là thực trạng chung của cả tuyến. Họ mong muốn có cơ chế, chính sách mới của Chính phủ để các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ.
Chấp nhận bù lỗ, nhiều nhà thầu vẫn huy động nhân, vật lực thi công để kịp tiến độ |
Trong khi đó, ông Trần Văn Thành – Chỉ huy trưởng gói thầu số XL09 (Công ty CP Tập đoàn Cienco4 thi công) thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh TT-Huế cho rằng, hiện nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc – Nam đang phải bù lỗ do chi phí vượt cao so với dự toán ban đầu.
“Tuy nhiên, trước áp lực tiến độ và để đảm bảo uy tín của đơn vị, nhiều nhà thầu vẫn phải huy động nhân lực, vật lực để hoàn thành gói thầu của mình kịp tiến độ dự án.
Trong thời gian tới, các bên liên quan sẽ có đề xuất gửi chủ đầu tư và cơ quan liên quan xin điều chỉnh giá, hỗ trợ cho nhà thầu”, ông Thành chia sẻ.
Một lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng phi mã, trong thời gian qua, đơn vị đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng.
Chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng.
Gói thầu do Công ty CP Tập đoàn Cienco4 thi công trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh TT-Huế. |
Đối với việc biến động sắt, thép, xăng dầu đột biến như hiện nay, ngoài việc các địa phương công bố giá hàng tháng phải theo kịp diễn biến thị trường, chủ đầu tư đang tính đến phương án kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép chuyển sang hình thức bù trừ trực tiếp (hình thức truyền thống trước đây đã áp dụng), khi đó mới bù đắp được chi phí thực tế của nhà thầu bỏ ra khi thực hiện công trình.
Nhóm PV Miền trung
Phó Thủ tướng: Kiên quyết thay thế nhà thầu chậm tiến độ làm cao tốc Bắc Nam
Phó Thủ tướng yêu cầu, nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì thay thế; kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án.