Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139,52km (trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với QL1A có chiều dài 8,02km), tổng mức đầu tư là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ đồng).
Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2018, chỉ một thời gian ngắn đã xuất hiện hư hỏng mặt đường.
Dù các cơ quan quản lý nhà nước liên tục yêu cầu VEC và các nhà thầu sớm thực hiện khắc phục, sửa chữa nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC về khắc phục các tồn tại, đảm bảo ATGT trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ nêu rõ, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo VEC khẩn trương triển khai sửa chữa các hư hỏng mặt đường, công trình, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Các hư hỏng, tồn tại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được Cục Quản lý đường bộ III nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng đến nay tồn tại trên vẫn không được khắc phục.
Từ thực tế trên, Bộ GTVT yêu cầu VEC chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ngay những hư hỏng.
Đồng thời, tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, tuần tra, phát hiện hư hỏng và kịp thời xử lý theo đúng quy định về bảo trì công trình.
Bộ GTVT cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC tập trung thời gian, nhân lực để khắc phục đảm bảo ATGT, giám sát công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thực hiện đúng quy định.
Nhà thầu chưa chịu sửa chữa?
Một lãnh đạo VEC cho biết, đối với tổng thể dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đến nay có 3 vấn đề đang được VEC thực hiện để sửa chữa theo yêu cầu của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thứ nhất, về việc sửa chữa mặt đường tuyến chính cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Do vậy các nhà thầu phải tuân thủ theo kế hoạch bảo hành và phải tiến hành sửa chữa.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề bồi thường thiệt hại từ nhà thầu đối với dự án, sau khi Toà án nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm các nhà thầu thi công phải bồi thường thiệt hại tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 810 tỷ đồng thì các nhà thầu đều kháng cáo nên bản án chưa có hiệu lực. Khi toà xét xử phiên phúc thẩm có quyết định cuối cùng các nhà thầu có cơ sở thực hiện.
Hiện tại, VEC vẫn tiến hành duy tu, bảo dưỡng bình thường đảm bảo phương tiện tham gia giao thông trên tuyến an toàn.
Được biết, từ tháng 11/2021, Bộ GTVT đã cùng VEC lập Tổ công tác đánh giá thực trạng công trường dự án trên báo cáo sơ bộ của cơ quan điều tra.
Qua kiểm định đánh giá, Bộ GTVT xây dựng mức kinh phí sửa chữa khoảng 130 tỷ đồng (số tiền này được xây dựng trên đơn giá hợp đồng các nhà thầu). Đây là giá trị gói thầu khắc phục đảm bảo điều kiện khai thác an toàn trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, không phải là giá trị thiệt hại tại các gói thầu dự án.
Vấn đề thứ hai liên quan đến một số hệ thống biển báo cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại diện VEC thông tin, sau 5 năm khai thác đến nay một số hạng mục biển báo, dán phản quang bị bong tróc. Theo thống kê của VEC hiện còn 105 biển cần dán lại phản quang với giá trị 4,5 tỷ đồng. Nhà thầu đã khảo sát hiện trường và sẽ tiến hành thực hiện trong tuần tới.
Về việc Tổng cục Đường bộ yêu cầu VEC phải sửa chữa tại một số vị trí mặt đường QL14B thuộc phạm vi nút giao Tuý Loan với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại diện VEC cho biết, cuối 2021 VEC đã tổ chức đấu thầu, tuy nhiên do khối lượng và giá trị gói thầu nhỏ (dưới 5 tỷ đồng) đòi hỏi công nghệ thi công cao nên có ít nhà thầu lớn quan tâm. Mặt khác, việc yêu cầu thảm nhựa polyme các nhà thầu nhỏ lại không đáp ứng...
VEC đang tiếp tục phê duyệt hồ sơ mời thầu, nếu lựa chọn được nhà thầu thì việc triển khai sửa chữa sẽ hoàn thành cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới.
Vũ Điệp