Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sáng 29/7 ngập nặng khiến một xe tải bị trôi, nhiều xe chết máy. Giao thông tại khu vực bị tê liệt, không thể di chuyển, kẹt xe kéo dài hàng km.
Bạn đọc Hiên Trương viết “đã tính toán chuyện ngập nước này chưa, tình hình này không bao lâu cao tốc sẽ hư hại, ai chịu trách nhiệm...”. Tương tự, một bạn đọc khác cũng cùng quan điểm “quy hoạch thiết kế thế nào mà mới đưa vào sử dụng đã bị ngập nặng rồi. Nếu mưa bão lớn hơn thì có chống chịu nổi không?”
Đây là một bài học về việc đầu tư, quy hoạch xây dựng cần tính toán lâu dài. Không phải vì nhu cầu cấp thiết của xã hội mà còn phải đảm bảo an toàn cho tài sản cũng như tính mạng người dân.
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới hoàn thiện xong tuyến chính và đưa vào khai thác tạm thì xảy ra sự cố ngập nước gần 1m, dài hơn 100m tại Km25+419 của dự án.
Phân tích sâu hơn, bạn đọc Đinh Hiep lại cho rằng “dường như đoạn cao tốc này bị võng nên không thoát nước được. Thiết kế cao trình độ cao không có. Không khéo nước ngập làm mềm chân nền gây hư hại mặt đường cao tốc”. Cũng theo đánh giá ban đầu, khu vực xảy ra ngập sâu có địa hình đồi núi. Song song đó, phía ban quản lý dự án khẳng định việc thi công đã thi công hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo đúng nội dung hồ sơ thiết kế được duyệt.
Một bạn đọc khác cũng bình luận “đoạn đường này này có lẽ phải nâng nền hoặc làm cống hộp mới giải quyết được”. Theo như thiết kế của ban quản lý dự án vị trí này đã có cống nằm bên dưới cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuy nhiên lượng nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước rút không kịp đã tràn vào cao tốc.
Trao đổi thêm với chuyên gia giao thông, chuyện ngập trên cao tốc là rất khó xảy ra. Các chuyên gia cũng nhận định, cần đánh giá lại từ khâu thiết kế, tư vấn cũng như khả năng thoát nước của hệ thống cống rãnh khu vực xung quanh cao tốc, tránh để nước ngập vào đường xá dễ làm hư hỏng mặt đường.
Ngay khi xảy ra sự cố trên, ông Nguyễn Quốc Nam, giám đốc sở GTVT tỉnh Bình Thuận cùng chính quyền địa phương đã đến kiểm tra hiện trường.
Theo sở GTVT tỉnh Bình Thuận, những ngày qua mưa lớn, nước tại thượng nguồn như huyện Tánh Linh, núi Ông đổ về đập dâng và đổ ra dòng sông Phan. Tuy nhiên, dòng sông Phan thoát không kịp đã tràn vào đường cao tốc.