Tháng 7/2024 là tròn một năm vợ chồng Võ Thị Hồng Anh (34 tuổi, làm việc trong ngành thiết bị y tế) và anh Thái Thống Phát (34 tuổi, kỹ sư xây dựng) trở thành những người trẻ "bỏ phố về quê bán thời gian".
Trong tuần, họ làm việc ở TPHCM, cuối tuần lái xe về ngôi nhà gỗ nằm biệt lập dưới chân đồi, bao quanh là khu vườn xanh mướt, thoang thoảng mùi hương thảo, bạch đàn chanh.
Trong căn nhà gỗ ấm áp, gia đình nhỏ thường dậy sớm, hít hà không khí se lạnh của cao nguyên Bảo Lộc (Lâm Đồng), nghe tiếng chim hót líu lo và cùng nhau dạo quanh khu vườn để ngắm sương sớm, hái hoa, thu hoạch rau củ. Họ cùng nhau nấu ăn, đọc sách, uống cà phê còn cậu con trai thoải mái vui đùa bên cạnh.
Ngôi nhà gỗ được chị Hồng Anh tự lên ý tưởng thiết kế, còn ông xã đảm nhận việc thi công.
Ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 2.800m2 vốn bị bỏ hoang lâu năm của gia đình.
"Gia đình mình ngày trước không khá giả. Bố mẹ mình là nhà giáo, lương có hạn. Bố mẹ tích góp nhiều năm để mua mảnh đất này, với ước mơ thực hiện một khu vườn trồng rau, trồng hoa”, chị Hồng Anh kể. Tuy nhiên, do chi phí cải tạo mảnh đất quá lớn nên ước mơ của ông bà bị bỏ ngỏ nhiều năm.
"Đó là lí do thôi thúc mình dựng ngôi nhà gỗ bình yên, ấm áp, nằm giữa khu vườn có cỏ xanh, hoa, rau trái để gia đình sum vầy”, chị nói.
Thêm vào đó, chị Hồng Anh vốn là người đam mê du lịch, từng khám phá nhiều vùng đất trong nước và nước ngoài. Nhưng vài năm trở lại đây, chị nhận ra, mình đi nhiều nơi và chủ yếu sống, làm việc ở TPHCM nên rất ít cơ hội khám phá vẻ đẹp quê hương Bảo Lộc.
Chị Hồng Anh có đam mê về kiến trúc và nội thất. Hàng ngày, chị đều dành thời gian xem, đọc tư liệu trên mạng và phần nhiều bị ảnh hưởng bởi phong cách Bắc Âu. Khi lên ý tưởng cho ngôi nhà cổ tích của gia đình, chị dựa vào ký ức về những căn nhà gỗ ở Bảo Lộc trước đây, thêm vào đó một chút kiến trúc của những ngôi nhà đồng quê Bắc Âu và phong cách tối giản của Nhật Bản.
Anh Phát là một kỹ sư xây dựng, nên sẵn lòng cùng vợ biến căn nhà trong mơ thành hiện thực. Một phần gỗ xây dựng căn nhà được tái chế từ căn nhà cũ của gia đình anh Phát.
Tầng 1 của ngôi nhà xây gạch đá rồi ốp gỗ lên để đảm bảo tính bền, thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí. Anh Phát xây dựng một lầu gỗ thông để ngôi nhà rộng hơn, thêm không gian sinh hoạt.
Nội thất trong nhà chủ yếu là đồ gỗ, thân thiện với môi trường và tối giản mọi nhu cầu.
"Do chưa có nhiều kinh nghiệm làm nhà gỗ nên thời gian đầu, hai vợ chồng loay hoay, chỉnh sửa hết lần này tới lần khác, thậm chí phải đập đi xây lại, tốn thêm thời gian và chi phí.
May mắn là chúng mình tìm được đội thợ gỗ giỏi nghề, nhiệt tình, cộng thêm sự kiên trì, kinh nghiệm của chồng mình nên công trình mới hoàn thành đúng ý muốn", chị Hồng Anh chia sẻ.
Dù đã hoàn thiện ngôi nhà trong mơ tại Bảo Lộc, nhưng vợ chồng chị Hồng Anh vẫn chưa có kế hoạch "bỏ phố về quê”. Anh chị duy trì công việc tại TPHCM để phát triển sự nghiệp, tích lũy kinh tế.
"Mình yêu thành phố và cũng yêu miền quê Bảo Lộc. TPHCM cách Bảo Lộc chỉ 4 tiếng lái xe nên hàng tuần, sau thời gian tập trung làm việc, mình có thể trở về quây quần bên bố mẹ.
Ngôi nhà gỗ trở thành nơi nghỉ dưỡng của gia đình, ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ngày đẹp trời, chúng mình đi săn mây, vào vườn hái bơ, sầu riêng, măng cụt, thu hoạch nấm…”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Cuối năm 2023, chị Hồng Anh bắt đầu chia sẻ hình ảnh ngôi nhà gỗ trên mạng xã hội. Hình ảnh căn nhà bình yên, nằm giữa khu vườn nên thơ nhận được nhiều lượt yêu thích. Không chỉ bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người xa lạ cũng mong muốn đến thăm nhà, học hỏi kinh nghiệm xây dựng.
Vợ chồng chị Hồng Anh luôn sẵn sàng tiếp đón mọi người, với hy vọng có thể giới thiệu với họ về mảnh đất Bảo Lộc xinh đẹp, con người thân thiện, chân thành.
Gần đây, chị Hồng Anh hợp tác cùng một tổ chức phi chính phủ để đưa ngôi nhà trở thành nơi thực hiện các chương trình giáo dục, bảo vệ môi trường, các dự án phát triển cộng đồng, du lịch bền vững.
Ảnh: Nhân vật cung cấp