“Mỗi ngày, gia đình tôi đều tận hưởng và trân trọng những giây phút bên nhau: cùng nhau thức dậy, cùng lắng nghe chim hót, ngắm bình minh, cùng khám phá thiên nhiên trong chính khu vườn nhà - trồng rau, thu hoạch, chế biến món ăn… Ngôi nhà còn tuyệt vời hơn bất cứ một khu resort nghỉ dưỡng nào bởi nó có sự ấm áp, riêng tư”, chị Nguyễn Sen (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ.

Tháng 12/2019, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, vợ chồng chị Sen bắt tay xây dựng ngôi nhà vườn trên đồi. Sau 8 tháng thi công, ngôi nhà hoàn thiện và cả gia đình cũng quyết định rời trung tâm thành phố sầm uất để về đồi sinh sống. Khi chia sẻ hình ảnh ngôi nhà trên mạng xã hội, chị Sen nhận được “cơn mưa lời khen”. 

“Ngôi nhà đẹp như một resort vậy. Ngày nào ở đây cũng như đang đi du lịch, nghỉ dưỡng”; “Đâu cần đi đâu xa, mở cửa ra là như đi du lịch rồi”, một số cư dân mạng bình luận.

 {keywords}

Ngôi nhà trên đồi của vợ chồng chị Sen

Theo chia sẻ của chị Sen, toàn bộ khu đất xây dựng nhà vườn của anh chị rộng 2.500m2, trong đó căn nhà rộng 200m2, sàn rộng 500m2, phần còn lại là nơi dựng nhà kho, làm sân vườn.

“Khi tôi mua mảnh đất này nhiều người can ngăn vì địa thế đất dốc đứng, khó xây dựng. Thế nhưng tôi vẫn rất thích và chỉ sau 2 ngày thuyết phục, ông xã cũng đồng ý”, chị Sen chia sẻ.

{keywords}

Ngôi nhà nằm ở khu đất rất dốc

Chị Sen yêu thích mảnh đất này vì nó nằm trong con hẻm sâu yên tĩnh nhưng cách trung tâm thành phố không quá xa (khoảng 3km). Từ khu đất, chị có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những đồi cà phê bạt ngàn, núi Đại Bình - “nóc nhà” của Bảo Lộc, mặt hồ trong veo và ban đêm thì chiêm ngưỡng thành phố lên đèn. “Mùa mưa, từ ngôi nhà cũng có thể ngắm nhìn thác nước chảy, đẹp và bình yên lắm”, chị Sen chia sẻ.

Từ nhỏ, chị Sen đã yêu những ngôi nhà bình yên tại Thụy Sĩ, thường xuất hiện trong phim ảnh. “Gia đình tôi không giàu có nên ngày đó, tôi cứ nghĩ đó chỉ là giấc mơ viển vông. Khi kết hôn, tôi công tác trong cơ quan nhà nước, ông xã làm kĩ sư cầu đường, cùng nhau tích góp từng chút một để lo cho các con”, chị Sen chia sẻ.

“Khi tìm mua được mảnh đất, tôi suy nghĩ nếu không bắt tay xây dựng thì cả đời sẽ mãi sống bí bách trong căn nhà phố, các con không thể hòa mình với thiên nhiên. Thế là vợ chồng bắt tay vào làm, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, thiếu thì vay mượn thêm”, chị Sen thực lòng tâm sự.

{keywords}

Xung quanh nhà là nhiều sắc hoa khác nhau

{keywords}

Từ các căn phòng đều có thể nhìn ra thiên nhiên ấn tượng xung quanh

Chị Sen chia sẻ ý tưởng của mình về một căn nhà vườn nghỉ dưỡng cho người bạn thân làm kiến trúc sư tại Hà Nội. Do dịch bệnh, người bạn không thể trực tiếp vào khảo sát, vợ chồng chị Sen chỉ có thể mô tả khu đất, trình bày ý tưởng… “online”.

“Nhưng anh ấy rất tâm huyết với ngôi nhà của vợ chồng tôi, vất vả mấy tháng trời. Đến giờ nhà hoàn thiện đã gần 2 năm, anh ấy vẫn chưa được vào ngắm trực tiếp”, chị Sen kể lại. 

Xây dựng trong thời điểm dịch bệnh, “tưởng khó lại hóa may”. Nhà thầu xây dựng thời điểm đó không có nhiều công trình nên tập trung nhiều thợ chính cho ngôi nhà của chị Sen. Chỉ sau hơn 6 tháng thi công, ngôi nhà đã hoàn thiện phần thô.

{keywords}

Một góc rất đẹp để gia đình thưởng trà, ngắm cảnh, hoặc đón bạn bè tới tổ chức tiệc

{keywords}

Trong lúc ngôi nhà thi công, vợ chồng chị Sen cũng bắt tay trực tiếp làm vườn. Anh chị tự lên ý tưởng, thuê máy múc đất, xẻ vườn làm đường rồi quy hoạch từng khu riêng.

“Khi đã đào đất xong, hai vợ chồng bắt đầu còng lưng trồng cây. Lúc đầu tôi nghĩ chẳng biết bao giờ mới phủ kín. Hồi đầu, vợ chồng đèo nhau đi mua 10 cây, 20 cây. Cuối tuần thì thuê xe ba gác chở cây vào rồi chồng cuốc đất, vợ trồng cây, hì hục làm cả ngày không biết mệt. Chỉ một số cây lớn và thảm cỏ thì nhà tôi thuê thêm thợ”, chị Sen chia sẻ.

Vợ chồng chị Sen chăm chút cho từng góc trong căn nhà

Trong vườn có nhiều loại trái cây khác nhau

Ban đầu, chị Sen rất tham, muốn trồng hàng trăm loại cây khác nhau để tạo nên một “công viên tại gia” nhưng nhiều cây không hợp, chết khô héo. Sau này, chị tập trồng từ từ, từ các cây dễ sống, sống lâu và dễ chăm nhất. Hiện khu vườn được chia thành khu cây dây leo, khu trồng hoa, khu cây ăn trái, vườn rau…

“Vợ chồng tôi làm hệ thống tưới tự động. Khi nào bận bịu, mệt mỏi quá thì thuê thêm người, thường thì phải thuê người dọn cỏ đều đặn 2 tháng/lần. Ông xã đã quyết định “về hưu sớm” để thực sự dành tâm huyết chăm sóc không gian sống này”, chị Sen chia sẻ.

{keywords}

Từ khi ngôi nhà vườn hoàn thiện, cuối tuần, thay vì đi cà phê, chen chúc đi mua sắm, cả gia đình ở nhà ngắm hoa, chăm cây. Hai con của chị Sen bắt đầu trải nghiệm “tuổi thơ dữ dội”: đầu trần chân đất, trèo cây bắt dế, đào đất, trồng cây, vui chơi thỏa thích ngoài vườn như cha mẹ ngày nhỏ.

Thời gian dịch kéo dài, gia đình chị Sen không thể đi du lịch như trước đây nhưng mỗi ngày, cả nhà vẫn được trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị ngay tại căn nhà. Cuối tuần, anh chị thường đón bạn bè, người thân đến tụ họp, vui chơi, tổ chức tiệc ngoài trời…

{keywords}

Linh Trang (Ảnh:NVCC)