- Chiếc Honda Airblade mất phanh khi đang xuống dốc gặp đoạn cua gấp liên tục bóp phanh đã đâm thẳng vào taluy khiến cặp đôi nam nữ bay xuống vực.
Clip ghi lại vụ việc. (Nguồn: Otofun)
Chiều ngày 18/10, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh vụ tai nạn hy hữu trên cung đường đèo Tam Đảo.
Theo thông tin từ người đăng tải đoạn video cho biết, vào lúc 13h45 ngày 16/10, một đôi nam nữ đèo nhau bằng xe máy hiệu Airblade trên đường từ Tam Đảo về Hà Nội. Trong lúc đổ đèo, khi đến đoạn cua gấp, bất ngờ xe máy mất lái lao thẳng vào taluy bên đường khiến cả hai nạn nhân bay xuống vực.
Rất may địa điểm xảy ra tai nạn có nhiều cây cối nên hai nạn nhân bị mắc lại, thoát chết trong gang tấc và chỉ bị xây xước nhẹ.
Đổ đèo Tam Đảo bằng xe tay ga, cặp đôi đã gặp tai nạn thương tâm ở Tam Đảo |
Tại hiện trường, phanh đĩa bánh trước của xe máy bốc khói nghi ngút đã dấy lên nghi ngờ xe bị mất phanh trong quá trình đổ đèo khiến tai nạn xảy ra.
Clip này một lần nữa thay cho lời cảnh báo các bạn trẻ với kỹ năng chưa đủ không nên ham hố đi phượt.
Vì sao tắt máy đổ dốc dễ gây tai nạn?
Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc đặc biệt là do sử dụng xe tay ga đổ đèo được ghi nhận tại Tam Đảo. Hiện tượng chạy xe tay ga và tắt máy lao dốc của những “phượt thủ” không chuyên đã dẫn tới những tai nạn đáng tiếc ở đây.
Đường lên Tam Đảo quanh co |
Đường lên Tam Đảo dốc và quanh co sẽ là thử thách lớn với những ai chưa có kinh nghiệm đi phượt. Chính vì thiếu kiến thức cơ bản mà nhiều bạn trẻ thích tắt máy đổ đèo. Do đường dốc, khúc khuỷu nên xe tăng tốc rất nhanh khiến người điều khiển phương tiện mất kiểm soát.
Nếu tắt máy xuống dốc, xe chỉ còn cách hãm tốc bằng phanh. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều sẽ khiến má phanh nóng và mất dần độ bám rất nguy hiểm. Bình thường, phanh bằng động cơ là giải pháp hữu hiệu cho cung đường đèo, nhưng tắt máy thì số không còn tác dụng.
Kinh nghiệm đổ đèo bằng xe máy tay ga
Một kinh nghiệm sống còn khi đi phượt hay đổ đèo đó là “phanh” hãm bằng động cơ, cho dù ô tô hay xe máy thì điều này cũng đều có thể áp dụng. Tuy nhiên với xe số điều đó có thể khá dễ dàng nhưng còn xe tay ga sử dụng hộp số vô cấp thì liệu có phanh bằng động cơ được hay không?
Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể đổ đèo bằng xe tay ga một cách an toàn bằng cách áp dụng những kinh nghiệm dưới đây được chia sẻ từ một phượt thủ. Quy tắc cần nhớ đó là không tắt máy, không đi chậm hơn 15 km/h và vẫn phải mớm ga để xe bám côn đúng lúc.
Khi xe ga đang xuống dốc, bộ ly hợp sẽ nhả hoàn toàn, nếu không sử dụng phanh, xe sẽ lao nhanh dần do côn không bám. Điều người lái cần phải làm là giúp côn bám và sẽ lợi dụng được động cơ hãm xe.
Trước tiên bạn hãy dùng phanh để giảm tốc nhưng hãy để tốc độ >15km/h rồi mớm nhẹ ga. Bạn cần vừa mớm ga vừa ra phanh để giữ vận tốc của xe ổn định trong khoảng 15 đến 20 km/h để li hợp (côn) bám.
Khi nhận thấy côn đã bám, lúc này bạn có thể nhả ga hoàn toàn, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ khi côn vẫn bám và xe dường như bị động cơ kéo lại, xe có tiếng gằn do trở lực từ động cơ. Như vậy là bạn đã thành công khi “phanh” được động cơ khi sử dụng xe tay ga đổ đèo.
Một số điều cần nhớ khi đổ đèo bằng xe máy tay ga
Nếu bạn là người chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc chưa nắm được các thao tác thì tuyệt đối không nên dùng xe tay ga hoặc ngồi sau người còn non tay lái để đi đường núi, đổ đèo.
Khi đổ đèo, bạn cần nhớ không được tắt máy và thả trôi cũng như không bóp cứng phanh, bóp phanh đột ngột tại những khúc cua. Không được bóp phanh liên tục trên đoạn đường dốc dài vì có thể khiến phanh hỏng, cháy phanh, phanh mất tác dụng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)